Ứng phó với thiên tai: Chuyện không của riêng ai (Kỳ cuối)
Trước những thách thức của thiên tai, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống với phương châm 'sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước'.
Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động diễn tập các phương án, tình huống theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, phát huy “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Từ đó chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng, chống thiên tai (PCTT).
Tại huyện Trà Bồng, ngay từ đầu mùa mưa năm nay đã rà soát, xác định 148 công trình trường học, trụ sở cơ quan... đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu sơ tán, di dời tập trung gần 20 nghìn người. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực của đội xung kích PCTT.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương chia sẻ, địa hình hiểm trở, địa bàn rộng, công tác tiếp cận khó nên đội xung kích PCTT cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong hỗ trợ và triển khai sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là những nơi thường bị chia cắt, cô lập do lũ quét, sạt lở đất.
Theo thống kê, toàn huyện có 48 điểm, khu dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sạt lở núi, lũ quét, lũ ống... ảnh hưởng đến 1.071 hộ/4.684 khẩu, trong đó có 993 hộ/3.810 khẩu phải sơ tán, di dời tập trung.
Những năm qua, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng PCTT, nâng cao năng lực PCTT cho cộng đồng luôn được tỉnh quan tâm. Giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 46km kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí gần 2.337 tỷ đồng. Riêng năm 2024, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 15 công trình kè chống sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 18km, kinh phí 917,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 79 trạm đo mưa tự động và 10 trạm đo mực nước tự động được lắp đặt, đưa vào hoạt động.
Để khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, TP.Quảng Ngãi đã tập trung các nguồn lực đầu tư thi công nạo vét hồ điều hòa Nghĩa Chánh, ở phường Nghĩa Chánh. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo các tuyến thoát nước trong khu vực nội thành. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng ngập cục bộ tại 19 điểm ngập thuộc 9 phường trung tâm thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, hiện thành phố đang tiếp tục rà soát, khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi. Từ đó, xây dựng các giải pháp ứng phó, nhất là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro lũ, lụt, ngập lụt đô thị.
Mùa mưa bão năm 2024, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tổng kiểm tra và nạo vét hệ thống cầu cống, kênh, cắt tỉa cây xanh; đồng thời khảo sát, xác định các điểm tập kết ô tô nhằm hạn chế thiệt hại do ngập lụt.
Còn tại KKT Dung Quất, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch hợp đồng ứng phó giữa doanh nghiệp với các cơ quan liên quan. Các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất đã sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai. Trong đó, tập trung gia cố nhà xưởng, triển khai chằng chéo mái nhà; khơi thông cống rãnh thoát nước.
Đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác cảng biển như Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hào Hưng, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất... tập trung gia cố cầu cảng, giải phóng khu vực neo đậu tàu thuyền, kiểm tra gia cố các ụ neo. Tất cả các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất đã xây dựng kế hoạch sơ tán công nhân và các khách hàng có mặt tại khu vực cảng khi có mưa, bão.
Trưởng phòng An toàn môi trường, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất Trần Quốc Vinh cho biết, đơn vị đã sẵn sàng kích hoạt kịch bản ứng phó thiên tai đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Theo đó, trước khi bão về sẽ hạ độ cao toàn bộ các thiết bị để tránh nguy cơ đổ ngã; di chuyển vật tư, thiết bị tại vùng sát biển vào phía xa bờ; chằng chéo nhà xưởng.
Trước khi bão lớn đổ bộ vào sẽ di dời toàn bộ 1.500 công nhân, chỉ để lại bộ phận trực tiếp làm công tác ứng phó mưa bão trong khu vực nhà máy để xử lý tình huống. Khi nào tuyệt đối an toàn mới cho công nhân trở lại làm việc.
Đối với các thủy điện đang vận hành phát điện, chủ đầu tư tập trung triển khai các giải pháp gia cố hồ đập, nhà máy để ứng phó với mưa lũ. Riêng hồ chứa thủy điện Đăkđrinh, ngoài gia cố thành đập, nạo vét họng xả, chủ công trình còn sửa chữa hệ thống còi báo động, thay mới hệ thống camera giám sát; nâng cấp đường truyền dữ liệu...
Còn với các thủy điện có hồ chứa nước xa nhà máy như Hà Nang, ĐăkRe, hiện chủ đầu tư đang tập trung nâng cấp đường công vụ từ nhà máy đến khu vực hồ chứa để đảm bảo giao thông thông suốt, ứng phó kịp thời khi xảy ra mưa, lũ lớn. Các thủy điện Sơn Tây, Thượng Sơn Tây, ĐăkBa cũng đã hoàn thành việc xử lý sạt trượt khu vực xung quanh nhà điều hành, đảm bảo an toàn cao nhất khi mưa, lũ về.
Tại các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền, công tác PCTT luôn được Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh và chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp thực hiện đồng bộ. Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Nguyễn Đình Trung cho biết, bên cạnh sắp xếp, hướng dẫn và hỗ trợ chủ các phương tiện ràng buộc, chằng néo tàu thuyền đảm bảo an toàn, các lực lượng tại cảng cá cũng thông tin, tuyên truyền ngư dân chủ động đưa tàu vào tránh trú sớm. Đồng thời tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy; giữ vệ sinh môi trường, tuyệt đối không ở lại trên tàu khi có bão, áp thấp nhiệt đới.