Ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước tại đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại đồng bằng sông Cửu Long. Công điện nêu, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực ven biển, đã xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Dự báo, trong tháng 4-2021 sẽ tiếp tục xảy ra một số đợt xâm nhập mặn.

Phun tiêu độc khử trùng tại các thôn có gia súc bị bệnh viêm da nổi cục ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Phúc

Phun tiêu độc khử trùng tại các thôn có gia súc bị bệnh viêm da nổi cục ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Phúc

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại đồng bằng sông Cửu Long. Công điện nêu, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực ven biển, đã xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Dự báo, trong tháng 4-2021 sẽ tiếp tục xảy ra một số đợt xâm nhập mặn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, trong trường hợp cần thiết chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

* Ngày 25-3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, dịch viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò hiện đang lây lan ra diện rộng tại năm trong tổng số tám địa phương của tỉnh. Tại huyện Quảng Trạch, dịch VDNC đã xảy ra tại 459 hộ dân thuộc 11 xã làm 704 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 16 con bò chết. UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế hỗ trợ các địa phương phun thuốc tiêu diệt côn trùng tại các địa bàn xảy ra dịch bệnh. Các địa phương phải kịp thời củng cố lại hệ thống cán bộ thú y cấp xã; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm của động vật ra vào địa bàn; tổ chức tiêu hủy động vật chết theo quy định.

* Tại tỉnh Thanh Hóa, dịch VDNC trên trâu, bò đã xảy ra tại 505 hộ chăn nuôi ở 82 thôn, 24 xã thuộc các huyện Yên Ðịnh, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, làm tổng số 682 con trâu, bò mắc bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp bám sát địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…

* Tại tỉnh Hà Tĩnh dịch VDNC trên trâu, bò đến nay đã xuất hiện tại hơn 100 xã của chín huyện, thành phố và thị xã khiến hơn 3.000 con trâu, bò bị bệnh; trong đó, có 300 con chết buộc phải tiêu hủy. Hiện các ngành chuyên môn của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm khống chế dịch bệnh.

* Sau khi bốn con trâu, bò có biểu hiện bị sốt, dưới da nổi nhiều cục lớn nhỏ và bị chết, TP Sông Công (Thái Nguyên) vừa quyết định công bố dịch bệnh VDNC tại hai phường Lương Sơn và Châu Sơn. Ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đến nay TP Sông Công đã tiêm phòng cho toàn bộ số trâu, bò trên địa bàn hai phường nêu trên với tổng số 240 con; đồng thời cấm vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò ra, vào vùng có dịch, vùng phụ cận.

* Ðến nay, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận dịch VDNC trên đàn trâu, bò; trong đó, có 11 con phải tiêu hủy. Tại huyện Yên Mô có bốn xã, thị trấn có trâu, bò mắc bệnh với tổng số 30 con bị bệnh; trong đó có tám con phải tiêu hủy. Huyện đã được cấp 3.000 liều vắc-xin để tiêm cho đàn trâu bò, đến nay 50% số trâu, bò trên địa bàn đã được tiêm phòng.

* Ngày 25-3, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) cho biết, đơn vị vừa phối hợp lực lượng kiểm lâm thả hai cá thể khỉ đuôi lợn và một cá thể trăn gấm về môi trường tự nhiên. Ba cá thể động vật hoang dã trên đã được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật tiếp nhận từ người dân, sau đó được chữa trị, theo dõi và nuôi dưỡng ở môi trường bán hoang dã.

* Ngày 25-3, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Ðịnh cho biết, tàu cá BÐ 93054 TS của ông Trần Thanh Liêm, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, hành nghề lưới vây ánh sáng, bị mất liên lạc từ 15 giờ ngày 21-3, khi đang hoạt động ở vùng biển cách Côn Ðảo khoảng 27 hải lý về phía nam. Ðến sáng 25-3, người nhà của chủ tàu cá BÐ 93054 TS đã liên lạc được với lực lượng chức năng và xác định 12 thuyền viên đều an toàn, sức khỏe ổn định.

* Ngày 25-3, tại xã Phong Xuân, huyện Phong Ðiền, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai tìm kiếm 11 thi thể nạn nhân vụ sạt lở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 ở bãi bồi thứ nhất trên suối Rào Trăng, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 300 m về xuôi. Thời gian dự kiến tìm kiếm là khoảng năm ngày.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ung-pho-xam-nhap-man-thieu-nuoc-tai-dong-bang-song-cuu-long-639774/