Ung thư có thể điều trị khỏi
Những gương mặt hạnh phúc của bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư mà chúng tôi gặp tại chương trình 'Câu chuyện mùa xuân' lần thứ 3-2023 với chủ đề 'Chung sống bình yên với ung thư' do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức vào chiều 14/2 nhân ngày Ung thư thế giới và ngày Thế giới phòng chống ung thư trẻ em (15/2) đã truyền đến thông điệp 'ung thư không phải là dấu chấm hết'.
Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ngày nay với nhiều phương pháp điều trị mới, rất nhiều bệnh ung thư có thể điều trị khỏi, điều trị ổn định trong thời gian rất dài, đặc biệt là thành tựu ghép tế bào gốc đã cứu sống nhiều người bệnh ung thư máu bên bờ sinh tử.
10 năm vượt qua ung thư hạch
Chúng tôi gặp anh Vũ Việt Thành (32 tuổi, Hà Nội) tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân" và khá ngỡ ngàng khi biết cách đây 2 năm anh được chẩn đoán ung thư máu và trải qua ca ghép tế bào gốc căng thẳng.
"Trước khi phát hiện bệnh, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì, tôi vẫn tập luyện thể thao bình thường. Trong một lần bị đau răng đi nhổ, bác sĩ nghi ngờ và khuyên tôi nên đi khám huyết học. Chỉ 2 tiếng sau tôi đến Viện Huyết học - Truyền máu khám, làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh Lơ -xê - mi cấp dòng tủy - bệnh ung thư máu, lúc đó tôi bị sốc rất nặng", anh Thành chia sẻ.
Trải qua những ngày suy sụp, cảm giác "cả tương lai như đóng sập lại", không cho phép mình bị nhấn chìm trong nỗi hoang mang, lo sợ, anh Thành bắt đầu tìm kiếm thông tin về bệnh và xin tư vấn của các bác sĩ. May mắn anh được phát hiện sớm, được điều trị theo phác đồ để tiến tới ghép tế bào gốc ngay từ đầu. Sau khi trải qua những đợt hóa trị và đạt lui bệnh hoàn toàn, anh được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột.
"52 ngày trong phòng cách ly để ghép tế bào gốc là một trải nghiệm nhiều đau đớn mà ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó hình dung được. Một mình phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt trong thời kỳ hệ miễn giảm bị suy giảm mạnh, không có người thân hay bác sĩ bên cạnh. Có những giờ phút, chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác", anh Thành kể lại.
Sức khỏe suy kiệt, sụt tới chục kilogam lúc tỉnh, lúc mê, trong phút sinh tử đó, anh vẫn le lói niềm tin, đó là gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… luôn bên cạnh mình để vực dậy. Vốn là người yêu thể thao, buổi sáng trước khi vào phòng ghép tế bào gốc, anh Thành vẫn dậy sớm chạy một vòng quanh công viên Thống Nhất. Ở phòng cách ly, khi nào có sức lực, anh lại vùng dậy tập thể dục. Kết thúc ghép tế bào gốc thành công, sau khi sức khỏe bảo đảm, anh bắt đầu chạy từng chặng ngắn. Từ những ngày cố hết sức cũng chỉ đi được vài bước ngắn, giờ đây anh Thành đã chinh phục được quãng đường chạy marathon 42km. "Tôi đã trở lại cuộc sống, sinh hoạt và công việc gần như bình thường. Ngoài ra, còn tham dự giải chạy và chạy 4-5 buổi/tuần", anh Thành cho biết.
Từng phát hiện mắc ung thư hạch cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Vinh trải qua những ngày dài hoang mang và sợ hãi. "Khi đó tôi chỉ còn 35kg, con mới 3 tuổi, trong gia đình có người ung thư máu đã mất, nên tôi khóc suốt, không có hy vọng", chị Vinh kể lại.
Sau 8 đợt truyền hóa chất, may mắn không còn tế bào ung thư, được về nhà và tái khám định kỳ. Tuy nhiên, 7 năm sau, chị Vinh nghe người ta mách mua thuốc nam về uống khiến chị bị sốc phản vệ, sức đề kháng rất kém, phải quay lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. "Lúc này bệnh của tôi tái phát lại. Ở đợt truyền hóa chất đầu tiên, tôi bị tràn dịch màng phổi, suy tim độ 3, tưởng không sống nổi. Nhưng may mắn thay, 2 tháng sau, tôi hồi phục dần, đi lại được. Kết thúc liệu trình điều trị, từ đó đến nay tôi không phải sử dụng thuốc nào nữa", chị Vinh chia sẻ.
Vượt qua căn bệnh ung thư hạch, chị Vinh đã quyết định ở lại Viện Huyết học, thay người thân chăm sóc cho những người đồng bệnh. "Khi ở viện, tôi đã gặp không ít khó khăn, có lúc trong túi không có nổi 1 nghìn đồng. Nhờ có sự quan tâm chăm sóc của các bác sĩ và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tôi đã nhận được những suất ăn ấm nóng mỗi ngày. Sự ấm áp đó giúp tôi có thêm động lực tiến về phía trước. Vì thế, khi ra viện rồi, tôi vẫn muốn quay lại để giúp đỡ những bệnh nhân có cảnh ngộ giống mình", chị Vinh nói.
Giúp người bệnh thắp lên niềm hy vọng
Tại chương trình, chúng tôi gặp rất nhiều em nhỏ, mỗi câu chuyện của các em lại cho chúng tôi thêm một bài học về nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng bạo bệnh. "Con không biết làm gì để an ủi bố mẹ nên đã tỏ ra như không hề biết mình bị bệnh để bố mẹ trấn tĩnh hơn. Con đã nghĩ mình là một gánh nặng, mình chỉ biết đem lại rắc rối cho người khác. Nhưng câu nói của bố: "Có bố mẹ ở đây, chắc chắn sẽ vượt qua thôi" đã thay đổi suy nghĩ của con. Con không phải là gánh nặng, cũng không phải là người gây ra rắc rối mà là người cần phải cố gắng và kiên cường, con phải mạnh mẽ hơn để bố mẹ yên tâm về con", cô bé 12 tuổi mắc ung thư máu Lý Thị Thu Hoài chia sẻ.
Em Vũ Minh Đức đã có 10 năm chiến đấu với ung thư máu nhưng chưa bao giờ từ bỏ khát vọng đến trường. Em không chỉ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi mà còn say mê với võ thuật, bơi lội. Đồng hành cùng em là mẹ, chị Trần Thị Hồng Thắm. Dù phải làm đủ công việc từ dọn nhà thuê, bán hàng, đến bán bảo hiểm, dù hoàn cảnh thiếu thốn, chị Thắm vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cho biết, mỗi ngày Viện Huyết học điều trị cho từ 1.200 - 1.500 người bệnh, trong đó có trên 50% là người bệnh ung thư máu. Trong quá trình đồng hành, các bác sĩ đều thấu hiểu những giờ phút khó khăn của người bệnh, đồng thời cũng thấy có nhiều bệnh nhân nghị lực, bình an vượt qua ung thư, khỏi bệnh ra viện. Vì vậy, Viện Huyết học muốn chia sẻ câu chuyện của họ với cộng đồng trong chương trình "Câu chuyện mùa xuân" nhằm giáo dục sức khỏe và nâng đỡ tinh thần cho người bệnh. Đây là năm thứ 3 viện tổ chức "Câu chuyện mùa xuân", trong đó có nhiều tấm gương của những bệnh nhân nghị lực đã chiến thắng ung thư, để người bệnh khác học hỏi và biết rằng ung thư không phải là dấu chấm hiết, họ tiếp tục an tâm điều trị, chiến thắng bạo bệnh.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư mới như: Ghép tế bào gốc tạo máu, kháng thể khảm tế bào lympho T, điều trị đích, rất nhiều người có thể điều trị khỏi, hoặc điều trị ổn định trong thời gian rất dài, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, người bệnh có quyền lạc quan hướng tới tương lai hơn là bi quan như trước kia. Đặc biệt, hàng trăm người bệnh ung thư máu tại Việt Nam được cứu sống từ ghép tế bào gốc.
"Viện đang áp dụng thành công một số liệu pháp điều trị miễn dịch cho bệnh nhân ung thư như điều trị kháng thể đơn dòng có hiệu quả rất tốt cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt ung thư hạch. Nhiều bệnh nhân đã điều trị khỏi hoặc sống ổn định lâu dài. Trong tương lai gần chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp điều trị mới như điều trị kháng thể khảm tế bào lympho T - đây là liệu pháp hiện đại trên thế giới. Tới đây chúng tôi cũng đẩy mạnh ghép tế bào gốc cho bệnh nhân với những phương pháp mới nhất trên thế giới", PGS.TS Nguyễn Hà Thanh thông tin.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ung-thu-co-the-dieu-tri-khoi-i683818/