Ươm mầm xanh cho đất

48 năm đã trôi qua, những dấu tích tàn phá của chiến tranh dần lùi vào quá khứ, vùng đất với những địa danh huyền thoại đi vào lịch sử như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang… đang hồi sinh từng ngày bởi màu xanh của cuộc sống ấm no. Những ruộng lúa trĩu hạt, những vườn cây kiểu mẫu, những con đường rải nhựa thênh thang trải dài kết nối các trung tâm thương mại, dịch vụ như tô đẹp thêm vẻ sầm uất, vững chãi cho vùng đất lửa từng là vành đai trắng năm xưa...

 Ngư dân Gio Linh được mùa cá cơm. Ảnh: HT

Ngư dân Gio Linh được mùa cá cơm. Ảnh: HT

Trong ngôi nhà nhỏ bình dị của nữ anh hùng Hoàng Thị Chẩm, người 9 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, cũng là một trong 4 người xông lên cắm lá cờ giải phóng đầu tiên trên căn cứ Dốc Miếu vào năm 1972, chúng tôi được nghe bà kể về những ký ức oai hùng, bi tráng trên mảnh đất Gio Linh từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước và cả những ngày tháng quê hương hoàn toàn giải phóng, người dân trở về cùng chung sức, đồng lòng khai hoang, phục hóa, bắt tay vào xây dựng, kiến thiết lại quê hương. Trong những câu chuyện mộc mạc, cảm động ấy, đôi mắt của người du kích năm xưa ánh lên niềm tự hào khi mình đã góp một phần công sức nhỏ bé làm nên chiến thắng lịch sử cho dân tộc và ươm mầm xanh cho đất quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Hòa bình lập lại, bà Chẩm trở về quê nhà cùng người dân thôn Xuân Long, xã Trung Hải bắt tay vào san lấp hố bom, tháo gỡ hàng rào thép gai chằng chịt, ươm mầm xanh cho đất. Bí thư chi bộ thôn Xuân Long Bùi Ngọc Quốc cho biết: Nhờ lao động cần cù và sự nỗ lực không ngừng, giờ đây Xuân Long đã bứt phá, vươn lên về nhiều mặt, trở thành một thôn tiêu biểu trong số 6 thôn của xã Trung Hải. Từ một làng quê có nhiều khó khăn, nay nhiều gia đình ở Xuân Long đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm. Hiện tại ở Xuân Long nhiều gia đình đã xây được nhà ở kiên cố, đạt tỉ lệ 90%; hơn 90% gia đình được dùng nước sạch. Hầu hết đường đi lại trong thôn, đường ra đồng ruộng được nâng cấp, bê tông hóa. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…”.

Tiếp tục cuộc hành trình cùng các cựu chiến binh đến với các xã miền tây Gio Linh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất nằm dọc theo hàng rào điện tử McNamara một thời đã từng bị đạn bom, chất độc hóa học san phẳng không còn một bóng cây xanh. Hình ảnh nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố; đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa; cùng với đó là màu xanh của những cánh rừng trồng, của cây cao su đã cho những dòng nhựa trắng… Tất cả là minh chứng sự hồi sinh mãnh liệt của những vùng quê cách mạng. Trong hồi ức của cựu chiến binh Nguyễn Khiên, ở thôn 3B, xã Hải Thái, một người chiến sĩ cách mạng kiên trung đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Gio Linh, Cam Lộ, cũng là một trong những người đầu tiên khai hoang, phục hóa vùng đất hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh này, khi hòa bình lập lại, cùng với việc khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hải Thái đã tập trung cải tạo đồng ruộng, hệ thống thủy lợi, san lấp hố bom, khơi sức dân ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, những ngọn đồi cằn trơ sỏi đá, cánh đồng chi chít hố bom năm xưa được phủ xanh bởi rừng cao su, hồ tiêu trĩu hạt và các cánh đồng sản xuất thâm canh cho năng suất cao.

Ông Khiên cho biết, sau nhiều năm kiên trì, vất vả bám đất, bám đồi khai hoang phục hóa và phát triển gần 2 ha cao su tiểu điền, đồng thời trồng xen canh các loại cây hoa màu để lấy ngắn nuôi dài, giờ đây, kinh tế của gia đình ông đã từng bước ổn định, con cái đều được học hành và thành đạt. Đó cũng chính là “quả ngọt” mà người cựu chiến binh đã ngoài 80 tuổi luôn cảm thấy tự hào và trân quý.

Được biết, để xây dựng và kiến thiết quê hương, nhiệm vụ trọng tâm được xã Hải Thái triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian qua là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi của huyện Gio Linh trên cơ sở nghiên cứu và có sự điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, làm tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi… Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,72%... Đây là những thành quả đáng tự hào, là động lực để xã Hải Thải tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đứng trên các cứ điểm Cồn Tiên - Dốc Miếu, nơi từng là “mắt thần” của hàng rào điện tử McNamara, trải dài trước mắt chúng tôi là những miền quê trù phú, phủ đầy màu xanh. Sau chiến tranh, Đảng bộ và Nhân dân Gio Linh đã biến vành đai điện tử McNamarra thành rừng cây công nghiệp, khu tập trung của Mỹ - ngụy Quán Ngang thành khu công ngiệp và vùng cát trắng hoang sơ thành khu đô thị ven biển... Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Gio Linh đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác thế mạnh ở các tiểu vùng kinh tế như gò đồi, đồng bằng và kinh tế biển bằng nhiều hình thức như huy động vốn, tạo nguồn nhân lực và quy hoạch, kế hoạch sát với thế mạnh của từng vùng. Đặc biệt là quy hoạch vùng cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản... Nhờ vậy nền kinh tế của huyện trong những năm qua đã có bước tăng trưởng đáng kể, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội vượt so với nghị quyết đề ra, tiềm lực kinh tế ngày càng phát triển.

“Niềm tự hào về lịch sử vẻ vang và những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong những năm qua là nguồn động lực to lớn để huyện Gio Linh tiếp tục tiến bước nhanh trên đường phát triển; chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Quảng Trị”, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng khẳng định.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147991