Ươm những mầm xanh hữu nghị

Dù cuộc sống còn nhiều gian khó, đồng lương không nhiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đã trích một phần lương, phụ cấp nhận đỡ đầu, hỗ trợ các em học sinh thuộc các thành phần dân tộc khác nhau sinh sống ở khu vực biên giới và các em học sinh người Lào ở các bản giáp biên trong Chương trình 'Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng'. Việc làm ý nghĩa này là một trong những biểu hiện sinh động vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng keo sơn.

Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế trao hỗ trợ “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” cho em Thạo A Rọt. Ảnh: Võ Tiến

Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế trao hỗ trợ “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” cho em Thạo A Rọt. Ảnh: Võ Tiến

Ân tình Ka Lô

Hôm nay là một ngày đặc biệt khi chúng tôi được theo chân đoàn công tác Ban chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế và các đồn Biên phòng đóng quân trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào của tỉnh Thừa Thiên Huế sang thăm, tặng quà cho bà con nhân dân bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Con đường từ cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng sang bản Ka Lô nay đã thuận tiện hơn. Hai bên đường xanh rợp những nương ngô, lúa rẫy và những đồi dứa gai thẳng tắp. Trung tá Nguyễn Quang Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt chia sẻ: “Vọng gác mới khang trang của Đồn Công an Tà Vàng và những mái tôn mới của Đại đội Bảo vệ biên giới 531 (tỉnh Sê Kông, Lào) là do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt hỗ trợ ngày công xây dựng, trao tặng cho lực lượng vũ trang nước bạn”.

Chúng đi qua cầu Xê Rôn, vẫn thường được gọi với cái tên trìu mến - cầu “Hữu nghị” rộng rãi, vững chắc bắc qua dòng Xê Rôn, những ngôi nhà sàn bình yên tựa vào núi cùng ngôi trường khang trang hiện ra trong nắng. Điều khiến tôi bất ngờ lẫn ngạc nhiên, đó là rất nhiều người dân bản ra đón cùng với những nụ cười mộc mạc hòa lẫn những tốp trẻ ríu rít, ánh mắt tràn đầy niềm vui. Trưởng bản Ka Lô Kê Oi và người dân bản đón đoàn công tác bằng những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười thật tươi, những ánh mắt chứa chan ân tình. Anh cho biết: “Khi biết tin đoàn công tác sang thăm, người dân cả bản mừng lắm. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em dắt tay nhau tập trung đến trường học của bản để chào đón”.

Sau những lời thăm hỏi ân cần, đoàn công tác đã trao tặng gần 200 suất quà cho bà con nhân dân và các em học sinh bản Ka Lô. Em Thảo A Rọt, bản Ka Lô (hiện đang học lớp 8, Trường cấp 2 huyện Kà Lừm) được Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế trao tận tay phần quà hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Em Thảo A Rọt xúc động nói: “Con cảm ơn các chú BĐBP Việt Nam đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ để con có thể tiếp tục đi học. Ở bản chỉ có Trường cấp 1, nếu muốn học lên nữa thì phải vào trung tâm huyện, đường sá đi lại rất khó khăn... Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chú thì con sẽ không có điều kiện để tiếp tục theo học được”.

Bản Ka Lô hiện nay có 120 hộ với 563 khẩu, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi. Cuộc sống của người dân vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, nhưng bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Kê Oi cho biết thêm: “Mặc dù bản Ka Lô vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của người dân bản, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, địa phương hai nước, mà đặc biệt là BĐBP Việt Nam, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Giờ đây, người dân được sống trong những ngôi nhà kiên cố, trẻ em được học trong những ngôi nhà khang trang. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, địa phương hai nước và BĐBP Việt Nam để cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên”.

Sau những câu chuyện, những cái bắt tay nồng ấm, đoàn công tác chia tay bản Ka Lô. Dưới cơn mưa vùng biên, hàng chục học sinh và đông đảo người dân bước ra vẫy tay tạm biệt. Ấn tượng để lại cho tôi, đó chính là những tình cảm đặc biệt mà chính quyền và người dân bản giành tặng cho những người lính Biên phòng Việt Nam.

Cùng chăm lo cho mầm non tương lai

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải. Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thủy chung, vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng. Trên cơ sở đó, các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, hiếm có trên thế giới. Tháng 2/2019, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã nhất trí nâng tầm “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện”, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Lào tổ chức Chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới" lần thứ 2 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở bản A Via, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào. Ảnh: Đình Tiến

Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Lào tổ chức Chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới" lần thứ 2 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở bản A Via, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào. Ảnh: Đình Tiến

Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay, các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP của hai nước Việt Nam và Lào luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ bảo vệ, xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, xây dựng khu vực biên giới giàu đẹp. Một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực là công tác chăm sóc những mầm non tương lai của đất nước Triệu Voi sinh sống ở khu vực giáp biên.

Thực tế, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, khu vực biên giới của cả Việt Nam và Lào hiện còn rất khó khăn, giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, điều kiện kinh tế chậm phát triển hơn các khu vực khác, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Do đời sống khó khăn, có không ít em nhỏ người Lào ở các khu vực giáp biên đứng trước nguy cơ thất học, mất đi cơ hội hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Xuất phát từ quan hệ đoàn kết, hữu nghị, anh em tốt, trong nhiều năm qua, các đơn vị BĐBP Việt Nam đã nhận đỡ đầu 87 học sinh Lào trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Theo đó, mỗi em học sinh được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi học hết lớp 12. Ngoài hỗ trợ tiền, các đơn vị BĐBP còn tặng vở viết, bút, cặp sách, quần áo và xe đạp. Trị giá phần quà tuy không lớn, nhưng sự đồng hành và chia sẻ khó khăn của BĐBP Việt Nam những năm qua đã giúp nhiều em học sinh Lào có thêm cơ hội học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói, hoạt động đỡ đầu, chăm sóc học sinh Lào của BĐBP Việt Nam thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Kết quả của chương trình không chỉ là kết quả học tập của các em có hoàn cảnh khó khăn, mà qua đó còn bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực cho các địa phương ở khu vực biên giới của Lào. Đây cũng là minh chứng sống động về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào mãi mãi trường tồn, son sắt, thủy chung.

Bích Nguyên - Võ Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/uom-nhung-mam-xanh-huu-nghi-post481867.html