Uông Bí (Quảng Ninh): Bức tranh kinh tế du lịch đang rực sắc
Thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) từng nổi danh một khu công nghiệp lớn về than và điện, nay lại đang mở ra một triển vọng mới về hoạt động du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, bởi cảnh quan thiên nhiên tự có và trầm tích văn hóa cổ đại.
Uông Bí thừa hưởng giá trị nơi phát tích của thiền phái Trúc lâm Yên Tử, đất tổ của Phật giáo Việt Nam, đang được tỉnh Quảng Ninh đề xuất UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Công trình văn hóa cổ được khai thác tái mở rộng phục vụ lợi ích dân sinh.
Cùng với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Yên Tử, thành phố Uông Bí còn có 29 di tích, danh thắng, trong đó 6 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh và 23 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Một số di tích lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh của người dân trong nước và quốc tế như: Chùa Ba Vàng, ngôi chùa có tòa chính điện (Đại Hùng Bảo Điện) trên núi lớn nhất Đông Dương với diện tích khoảng 4.000m2; đền Hang Son ở dãy núi đá vôi Chu Cốc, thuộc phường Phương Nam, chính thần thờ Bát hải Đại vương, tam giáo đồng nguyên có kết hợp với chùa thì gọi chung là chùa Hang Son; Chùa Phổ Am, trên núi Duật Vân thuộc phường Bắc Sơn; đình - chùa Lạc Thanh ở phường Yên Thanh, đền thờ Bạch Thái Bưởi, doanh nhân tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam…
Uông Bí nằm trong cánh cung Đông Triều, có rừng quốc gia Yên Tử với nhiều khu rừng còn nguyên sinh, thác nước, hồ trên núi, suối rừng trong sát đáy, khí hậu mát mẻ, cảnh quan môi trường bắt mắt. Nhiều cánh rừng đại ngàn hoang thú về làm tổ, triền núi thấp tán cây trên cao thì thông reo, dưới hoa sim tím bướm ong bay lượn, cánh sắc lãng mạn. Nhiều điểm du lịch cảnh quan sinh thái “tiếng lành đồn xa” như hồ Yên Trung, đỉnh núi Bình Hương, đỉnh núi Phượng Hoàng, thác Lựng Xanh và vùng kênh rạch sông nước Phương Nam...
Ngày 30/12/2019, Hồ Yên Trung được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 5538/QĐ-UBND.
Nhiều triền núi dạng cao nguyên tán cây trên cao thì thông reo, dưới hoa sim tím bướm ong bay lượn.
Với những lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học một địa phương đầy tiềm năng du lịch, Uông Bí đã vận dụng sáng tạo tinh thần đổi mới của Đảng, Chính phủ về chuyển nền kinh tế từ nâu sang xanh. Đại hội Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, theo đó là Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 phê duyệt xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch thành phố Uông Bí giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Uông Bí xác định đưa kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn thu của địa phương, được bắt đầu bằng quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang kiến thiết đô thị. Uông Bí đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng đường sá giao thông đến các khu du lịch lớn như: Xây dựng đường 6 làn xe kết nối từ Quốc lộ 18 đoạn Dốc Đỏ đến ngã 3 Nam Mẫu; xây cầu Miếu Bòng, nâng cấp đường tỉnh 326 đoạn Đồng Chanh thông tuyến với đường tâm linh Thái Miếu dưới chân Bảo Đài Sơn, kết nối cụm di tích Trần Triều với cụm di tích Yên Tử; xây cầu (cống hộp) thay đường ngầm qua sông Uông và mở đường Bắc Sơn - Lán Tháp; xây dựng 4km đường 6-8 làn xe chờ sẵn kết nối với đường ven sông Đá Vách đoạn từ Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại núi giao đầm Nhà Mạc đến cổng tỉnh Đông Triều; đầu tư chỉnh trang đường sá, cảnh quan hồ Yên Trung và thác Lựng Xanh để níu chân du khách.
Mặt khác, ngay chính khu vực nội thị cũng được tô điểm bằng mở rộng đường phố, hạ ngầm các công trình điện nước, xây dựng quảng trường bề thế, mỗi hạng mục công trình là một tác phẩm nghệ thuật. Ông Dương Đình Trọng (70 tuổi ở số 23 Hàng Bài, Hà Nội), người từng có nhiều năm công tác và sinh sống ở Uông Bí cho biết: Ở thập kỷ 80, khi trời nắng còn không dám phơi quần áo ở ngoài sân, để tránh bụi than tro xỉ nhà máy điện. Nay đô thị cảnh quan môi trường đẹp, đến Yên Tử là phải ngủ qua đêm để thưởng thức sự kỳ diệu của biên độ khí hậu thay đổi, ngày đêm có thể chênh nhau đến 8 độ C và thưởng thức văn hóa ẩm thực món canh gà nấu rượu bâu, xôi ngũ sắc của người dân tộc Dao xã Thượng Yên Công... Uông Bí nay khác hẳn với đô thị than - điện bụi bẩn ngày nào.
Uông Bí mở ra triển vọng mới về ngành “công nghiệp không khói”, trọng tâm là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Tính thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, lượng khách đến địa phương trên dưới 2 triệu lượt người/năm, tạo việc làm cho 10.000 lao động trực tiếp làm nghề dịch vụ du lịch, doanh thu ngành du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm, đóng góp khoảng 40% trong tổng cơ cấu nguồn thu từ ngành thương mại dịch vụ và đóng góp vào nhịp độ tăng trưởng của địa phương trên 10%/năm.
Từ khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện về du lịch, Khu di tích Yên Tử có ngày đón 5.000 lượt khách.
Trong nửa đầu tháng 02/2022, Uông Bí đón 18 vạn lượt khách du lịch, trong khi cùng thời gian đó vịnh Hạ Long chỉ đón được 9.100 du khách. Từ trung tuần tháng 3/2022, Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện về du lịch thì hoạt động du lịch ở thành phố Uông Bí sầm uất hơn. Khu di tích Yên Tử trung bình mỗi này đón 2.000-3.000 lượt du khách, có ngày đón 5.000 lượt khách; chùa Ba Vàng đón 3.000 lượt khách/ngày; hồ Yên Trung đón trên 1.000 khách/ngày…
Uông Bí khôi phục lại các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, đáp ứng du khách xa gần. Một triển vọng mới về nguồn thu từ dịch vụ du lịch như bức tranh kinh tế du lịch đang rực sắc.