Uống nước 'chữa bách bệnh', hàng loạt bệnh nhân nhập viện nguy kịch

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc nghiêm trọng do uống loại nước được quảng cáo có khả năng chữa bách bệnh. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí hôn mê bất tỉnh.

Bệnh nhân nguy kịch vì uống nước kiềm chữa bệnh. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nguy kịch vì uống nước kiềm chữa bệnh. Ảnh: BVCC

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân P.T.M (60 tuổi) đến từ Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội. Bà M nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa kéo dài nhiều ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa và hạ kali máu nghiêm trọng. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali.

Theo lời kể của bà M, do mắc nhiều bệnh lý mãn tính nên bà đã tin theo lời đồn và tìm đến địa chỉ uống nước "chữa bách bệnh" trong vùng. Phương pháp điều trị được hướng dẫn là uống 5-6 lít nước lọc mỗi ngày, có thể pha thêm muối, và nhịn ăn trong khoảng 10-15 ngày. Chỉ sau chưa đầy 5 ngày thực hiện, bà M đã phải nhập viện cấp cứu.

Bà M cho biết, cùng thời điểm bà tham gia điều trị có khoảng 10 người, chủ yếu là người trong làng. Những người này đều không mất chi phí, được uống nước thoải mái. Nước được lấy từ máy lọc nước là máy Nhật bãi (nhập khẩu máy cũ từ Nhật Bản) và ai có nhu cầu mua, chủ nhà sẽ bán.

Đáng chú ý, trước đó Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận một nhóm 3 bệnh nhân suy thận đang chạy thận nhân tạo. Họ được giới thiệu tự ngưng chạy thận và áp dụng phương pháp uống "nước kiềm" tương tự. Kết quả là chỉ sau 2-3 ngày, các bệnh nhân này đã rơi vào tình trạng khó thở, hôn mê và phải cấp cứu khẩn cấp.

May mắn, các bệnh nhân này được lọc máu kịp thời, tránh khỏi tử vong và được điều trị tới khi ổn định và trở lại lịch trình chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sức khỏe và cuộc sống.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo về mối nguy hiểm của việc uống quá nhiều nước nói chung, đặc biệt là nước kiềm. Ông nhấn mạnh rằng việc này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và thậm chí tử vong.

Uống quá nhiều nước cũng làm độ pH của dịch dạ dày bị giảm do pha loãng. Trong khi môi trường dịch a xít của dạ dày với pH 1,5 - 3,5 lúc bình thường đóng vai trò bảo vệ cơ thể, tiêu diệt bớt các vi trùng gây bệnh có trong thức ăn, nước uống, trước khi chúng đi sâu xuống đường tiêu hóa.

Bác sĩ Nguyên cũng giải thích rằng uống nhiều nước kiềm không chỉ gây thừa nước mà còn làm thay đổi pH của máu, dẫn đến nhiễm kiềm chuyển hóa. Điều này có thể gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của các enzym và cơ quan nội tạng.

Trước tình trạng này, các chuyên gia y tế kêu gọi người dân cần thận trọng trước những lời quảng cáo về các loại nước chữa bách bệnh. Khi nghi ngờ có vấn đề sức khỏe, người dân nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế có đăng ký. Đồng thời, cần duy trì chế độ ăn uống đa dạng, cân đối và phù hợp với nhu cầu cơ thể.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/uong-nuoc-chua-bach-benh-hang-loat-benh-nhan-nhap-vien-nguy-kich-398059.html