'Uống rượu với bạn đồng hương'

Nhắc đến Yến Lan, bạn yêu thơ đều nhớ đến tác phẩm 'Bến My Lăng' nổi tiếng của ông. Riêng tôi còn nhớ thêm một bài thơ khác của Yến Lan là bài 'Uống rượu với bạn đồng hương'.

Những năm 1965-1966, cơ quan Nhà xuất bản (NXB) Văn học sơ tán về thôn Đông Du, xã Đào Viên (Quế Võ, Hà Bắc). Nhà thơ Yến Lan khi đó là cán bộ biên tập thơ của NXB. Ông có tên khai sinh là Lâm Thanh Lang, sinh năm 1916, ở Bình Định, thuộc lớp tuổi với cha tôi. Hơn thế, tôi là bạn đồng môn với con trai thứ của ông, sau này là nhà thơ Lâm Huy Nhuận. Nghỉ hè, chúng tôi thường đến đọc sách ở thư viện cơ quan. Có lần, chúng tôi đến nơi ông làm việc và được đọc bài thơ “Uống rượu với bạn đồng hương” từ khi còn là bản thảo. Tuy nhiên, với vốn văn chương nghèo nàn của một học sinh lớp 6, chúng tôi không hiểu hết những điều ông muốn tâm sự, chia sẻ.

Những năm đó, gia đình nhà thơ Yến Lan rất nghèo do ông bà đông con. Ông không hút thuốc lá, ít uống rượu, đúng như mở đầu bài thơ ông viết: Thường ngày hay ít rượu/ Giờ cầm chén với anh/ Khuấy men nồng chuyện cũ/ Cho mình gặp lại mình. Những kỷ niệm tuổi ấu thơ mồ côi mẹ và thuở ban đầu dạy học tư và làm thơ: Thương tuổi nhỏ ta nghèo/ Thầy giáo già nghiêm khắc/ Đời phố huyện đìu hiu/ Trăng tình lên ngơ ngác cùng những suy tư sâu lắng: Rồi năm tháng cách xa/ Thành công chen thất bại/ Có nỗi buồn khỏe ra/ Có niềm vui chạnh mãi. Nhưng vượt lên những gian nan, vất vả và tâm tư là con đường được ông xác định: Anh về đâu, tôi đâu/ Hướng tương lai đã vạch.

Nhà thơ Yến Lan có những câu thơ tả thực tinh tế làm xúc động người đọc. Ông viết về thế hệ các ông: Ta uống mừng tuổi ta/ Bước khôn đè bước dại/ Năm mươi chẳng trối già/ Một hướng đi không mỏi; về hậu phương vững bền: Ta uống chúc vợ hiền/ Khó khăn còn nặng gánh/ Tắt bếp có lửa đèn/ Tình quê không hở lạnh. Về thế hệ tương lai, nhà thơ tự hào, tin tưởng: Ta uống ngợi con khôn/ Đảng cần đâu chúng tới/ Đứa săn giặc đầu non/ Đứa gây mùa giống mới.

Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ về kỷ niệm cuối năm 1971, trong khi đang cùng đơn vị hành quân từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, tôi đã gặp Lâm Huy Nhuận cùng đơn vị súng máy cao xạ 14,5mm hành quân từ Bắc vào Nam tại Trạm N41 (BT33). Hôm đó, chúng tôi nghe Nhuận đọc thơ và sau đó, những bài thơ viết từ chiến trường gửi ra của anh đã được tặng giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1972-1973.

Thời điểm đó, ở tuổi 50, Yến Lan có cả sự lạc quan yêu đời cùng niềm tin rất chân thật: Giá còn giọng hát tươi/ Ta cất tung trời đất/ Được giãi hết niềm vui/ Lời say thường nói thật. Thật đáng trân trọng một tấm lòng với quê hương, đất nước, với gia đình, bạn bè và với cả sự nghiệp mà như có lần ông tâm sự: “Qua hơn nửa thế kỷ học tập, tìm tòi, ôn luyện, tôi tự thấy mình xứng đáng là một người cầm bút biết trọng nghệ thuật, yêu nghề” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, 1997).

Nhà thơ Yến Lan đã đi xa 23 năm (ông mất vào tháng 10-1998) nhưng các thế hệ bạn đọc hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh và tấm lòng tận tụy của ông không chỉ qua những bài thơ ông để lại mà còn từ bàn tay nâng đỡ của ông đã giúp nhiều nhà thơ trẻ trưởng thành, có vị trí nhất định trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

BÍCH HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/uong-ruou-voi-ban-dong-huong-658825