Ướt sũng với Boun Pi May

Đã bao lâu rồi tôi chưa được chứng kiến một nghi lễ chúc phúc thực thành tâm cho đến khi sang Lào đúng vào dịp Boun Pi May (Tết Năm mới).

Niềm vui té nước trong ngày Tết Năm mới Boun Pi May.

Niềm vui té nước trong ngày Tết Năm mới Boun Pi May.

Thật thú vị khi biết rằng, nguyên nghĩa của Buon là phúc. Làm Buon chính là làm phúc để được phúc lành...

1. Hôm ấy, buổi sáng cuối cùng năm cũ theo lịch của người Lào, các nhà văn Lào tổ chức một buổi lễ hết sức ấm cúng và trang trọng, khấn nguyện phúc lành cho nhà văn Chanthy Denvansavanh, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào vừa trải qua một cơn bạo bệnh.

Buổi lễ diễn ra tại ngôi nhà vườn đơn sơ của ông Chăn Thaboun, bạn thân của nhà văn chủ tịch. Ông Chăn Thaboun năm nay đã 71 tuổi nhưng nước da sạm đen, nụ cười tươi khỏe tròn vạnh, vóc dáng vẫn còn rắn rỏi lắm.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1951 ở chiến trường Lào và Việt Nam, rong ruổi khắp xứ Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên, lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn. Hai người gặp nhau và kết bạn thân từ những ngày ấy, bởi lẽ nhà văn Chanthy Denvansavanh là một người Lào gốc Việt, quê Nghệ An.

Ông Chăn Thaboun làm việc trong xưởng in phục vụ kháng chiến, “thời còn in li-tô kia”, ông nói. Sau năm 1954, ông được gửi đi học ở trường thiếu sinh quân bên Quế Lâm - Trung Quốc, rồi lại quay về Việt Nam học ngành bưu điện truyền thanh ở Hà Đông. Năm 1960 ông trở về quê hương công tác tại Đài Phát thanh quốc gia Lào cho đến ngày nghỉ hưu.

Khu vườn nhà ông rộng khoảng ba nghìn mét vuông nằm xa trung tâm Thủ đô Vientiane, cây cối rợp đầy che mát khoảng đất rộng trong một ngày nắng nóng cuối mùa khô.

Nhà văn Chanthy Denvansavanh phải ngồi trên xe lăn vì ông chưa thể đi lại được sau cơn tai biến mạch máu não. Mọi người đã tề tựu đông đủ. Một người bạn Lào mang đến một cây phong cầm, lập tức làm sôi động những giọng hát “cây nhà lá vườn” của các bạn nhà văn Việt Nam và Lào.

Những tấm chiếu hoa được trải ra, bên trên là một mâm cỗ hoa vạn thọ trang trí theo kiểu truyền thống đặc trưng của Lào, xung quanh là những hộp bánh, trái cây, bánh lá...

Từ lưng chừng cỗ hoa kéo ra những sợi chỉ trắng chuẩn bị cho nghi thức buộc chỉ cổ tay. Mở đầu buổi lễ nhà văn nữ Phioulavanh Luangvanhna, Phó Chủ tịch Hội phát biểu đôi lời. Sau đó nhà văn Thanongsak Vongsarda, phụ trách công tác đối ngoại của Hội chắp tay và đọc lời cầu nguyện.

Không khí không quá trang nghiêm nhưng hết sức thành tâm, vì tôi thấy rộ quanh những lời chúc phúc là những tiếng ồ lên vui vẻ chân tình phụ họa của bạn bè đồng nghiệp bấy giờ đang ngồi quanh chiếc xe lăn của nhà văn chủ tịch.

Sau những lời cầu phúc, mọi người lần lượt đến bên nhà văn bắt đầu nghi thức buộc chỉ cổ tay, với một tâm thành rạng rỡ. Càng nhiều sợi chỉ buộc cổ tay, phúc lành càng lớn.

Đoạn, nhà văn nữ Phioulavanh Luangvanhna tay trái cầm thùng nước nhỏ (khú), tay phải cầm một cành cây nhúng vào khú rồi vẩy nhẹ lên đầu lên vai nhà văn. Đó là nghi lễ vẩy nước mát, cầu chúc một năm mới vạn vật mát lành, tươi tốt. Đối với người Lào, được vẩy nước được té nước lên người vào dịp năm mới là một niềm vinh hạnh lớn lao.

Buộc chỉ cổ tay cầu mong điều may mắn trong năm mới.

Buộc chỉ cổ tay cầu mong điều may mắn trong năm mới.

Các nhà văn Huế cũng lần lượt được buộc chỉ vào cổ tay, được vẩy nước mát. Đích thân nhà văn phó chủ tịch với khuôn mặt đẹp thuần hậu Phioulavanh Luangvanhna đến buộc chỉ cổ tay cho từng người, chị không ngớt lời chúc mừng năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Đến lượt mình, nhà văn Chanthy Denvansavanh không kìm được nước mắt. Trong nỗi xúc động, ông nói: “Hôm nay lòng tôi rất vui vì vừa trải qua cơn bạo bệnh, lại được bạn bè đồng nghiệp làm lễ chúc phúc vào ngày đầu năm mới. Đặc biệt hôm nay lại có các nhà văn Việt Nam từ Huế sang, còn gì vui hơn? Xin cảm ơn các bạn, và... chúc mừng năm mới!”.

Nhìn ông cố nâng cánh tay bệnh run rẩy yếu ớt lên lau những giọt nước mắt chân thành, không ai có thể cầm lòng... Buổi lễ cầu phúc diễn ra vào ngày Sang khan pay lại càng có nhiều ý nghĩa, bởi lẽ hôm nay, thần năm cũ ra đi.

Hôm nay, tất cả chùa chiền, công sở, bản làng, nhà cửa trên khắp đất nước Triệu Voi đều “ra quân” tổng vệ sinh, chùi rửa, lau dọn trong ngoài... nhằm tống tiễn những đen đủi, xấu xa của một năm qua, chuẩn bị đón chào năm mới với biết bao điều mới mẻ, phong quang, tốt lành...

Hàng nghìn hốc nhỏ (niches) chứa các tượng Phật nơi bức tường lớn trong chùa Sisaket.

Hàng nghìn hốc nhỏ (niches) chứa các tượng Phật nơi bức tường lớn trong chùa Sisaket.

2. Những ngày ở Lào tôi còn được chứng kiến và hòa mình cùng niềm phấn khích vô bờ của tất thảy người dân Lào trong không khí đón mừng Boun Pi May. Năm mới của Lào bắt đầu từ hạ tuần trăng tháng Năm Lào (khoảng tháng Tư dương lịch), vào các ngày 13, 14, 15.

Hết ngày Sang khan pay thì bước sang Mu nao, ngày xen giữa năm cũ và năm mới. Đây là ngày chuẩn bị tất cả mọi thứ cho lễ trọng ngày mai: Bánh trái, cơm rượu, hoa... Ngày Mu nao cũng là ngày Tết Thiếu nhi.

Cuối cùng thì thần năm mới đến (gọi là Sang khan khun). Nữ thần năm mới là Kirini Montha, “áo quần nạm đầy ngọc bích, cưỡi voi, tay trái cầm một thanh kiếm bằng kim cương để điều khiển voi, tay phải cầm một khẩu súng”.

Những ngày năm mới, trời vẫn còn nắng nóng như thiêu như đốt, bấy giờ nữ thần Kirini Montha xuất hiện, hô phong hoán vũ, cầu trời mưa xuống cho mùa màng tốt tươi, cho người dân bước vào vụ cày cấy mới.

Các nhà văn nữ xinh đẹp của Lào ghé khách sạn đón chúng tôi tham quan Vientiane. Nhà văn nữ Van May Xuc Kong My nói tiếng Việt rất giỏi, do nhiều năm chị học ở Việt Nam.

Chị chuyên viết cho thiếu nhi (từng đoạt giải thưởng văn học sông Mê Kông), lại cũng là một bác sĩ như tôi, chuyên khoa thần kinh, hiện phụ trách công tác y tế tại Công đoàn Trung ương Lào.

Ngoài ra chị còn tranh thủ làm thêm nhiều việc để tăng thu nhập như dịch sách báo, tài liệu, hướng dẫn du lịch... Hóa ra ở Lào, phần lớn nhà văn cũng đều chân trong chân ngoài không khác chi Việt Nam, “mì chính là phụ, đậu phụ là chính”.

Ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi đến tham quan là chùa Sisaket. Chùa Sisaket được xây dựng theo lệnh vua Anouvong, vị vua cuối cùng của vương quốc Lào Lane Xang (Vientiane) vào năm 1818, nằm ở ngay trung tâm thành phố, gần cung điện hoàng gia.

Dọc phía bên cánh trái và phía sau chùa Sisaket là hai bức tường lớn dài hàng chục mét, khoét hàng nghìn những hốc nhỏ (niches) đều và thẳng tắp, và bên trong là muôn vàn tượng Phật với nhiều hình dáng khác nhau.

Với người Lào từ bao đời nay, Phật giáo là quốc giáo. Đi đâu cũng thấy Phật. Nơi hành lang cánh trái tòa nhà chính của chùa (điện thờ - còn gọi là sim) có đặt trang trọng một máng gỗ dài được chạm khắc tinh xảo hình tượng linh vật naga.

Máng gỗ này dùng trong nghi thức tưới nước cầu phúc. Vào những ngày lễ trọng hoặc Tết năm mới, người ta đổ nước từ đuôi máng, nước xuôi dọc đến đầu máng, chảy xuống tượng Phật hoặc các nhà sư ở phía trước.

Sim là tòa nhà trung tâm của chùa, dành riêng cho các nhà sư. Trần nhà được trang trí bằng các hình đắp nổi, bên trong mỗi hình có chín ngọn đèn thủy tinh hình hoa sen. Lối trang trí này gợi nhớ đến những tòa lâu đài ở thung lũng Loire (Pháp), là một nét mới trong kiến trúc tôn giáo ở Lào vào đầu thế kỷ XIX cho dù đã khá quen thuộc với người Thái trước đó.

Những bức tường quanh tòa nhà vẫn lại là những hộc nhỏ khoét sâu và tinh tế, với những tượng Phật bằng bạc bên trong. Giữa các cửa sổ là những bức bích họa nguyên gốc, minh họa câu chuyện của Thái tử Pookkharabat với cây quạt thần kỳ chinh chiến trăm trận trăm thắng, trước khi trở thành Bồ Tát...

Bao quanh tòa nhà chính là dãy hành lang, như một khoảng tách biệt với thế giới trần tục bên ngoài. Hành lang này là lối kiến trúc mới trong các đền chùa ở Vientiane mà người ta cho là xuất phát từ ý tưởng của nhà vua Anouvong từ những năm ngài còn quăng quật cuộc sống lưu vong ở nước ngoài.

Bốn lối vào chính tạo cho hành lang có hình chữ L, mỗi góc có một tượng Phật bằng đồng. Trên những mảng tường cuối dãy hành lang, những bức bích họa hãy còn rõ nét kể lại câu chuyện Kalaket và con ngựa thần thông của ngài...

Chúng tôi cũng vào thăm chùa Hophrakeo gần đó, một ngôi chùa cổ được nhà vua Xaisethathirath (1548 - 1574) của vương quốc Lào Lane Xang cho xây dựng từ năm 1565.

Phải nói rằng dưới triều đại Xaisethathirath, hàng trăm ngôi chùa đã mọc lên trên khắp đất nước Lào, trong đó nổi bật có That Luang, một công trình nghệ thuật Phật giáo nổi tiếng, ngày nay trở thành biểu tượng của đất nước Vạn Tượng.

Khác với quy mô hoành tráng của That Luang sáng rực giữa trời chiều, khu vườn chùa Hophrakeo yên tĩnh với những bãi cỏ đẹp, xanh mướt và những bờ rào hoa mẫu đơn được cắt tỉa công phu.

Những tượng Phật với nhiều hình thế khác nhau. Trên các mảng cửa sổ, cửa lớn trang trí những tượng thần vũ nữ apsara xinh đẹp. Trong chùa có một tượng Phật nằm bằng gỗ.

Chị Van May Xuc Kong My nói đứng trước tượng Phật anh hãy thành tâm khấn nguyện đi, nếu sau khi khấn xong anh bước đến và có thể nhấc bổng được tượng Phật lên thì có nghĩa rằng lời khấn nguyện ấy một ngày kia sẽ trở thành hiệu nghiệm...

Một điểm đến ấn tượng nữa ở Vientiane chính là vườn Phật Xiengkuane, đúng ra là vườn tượng Phật. Vườn Phật Xiengkuane nằm gần làng Thadeua, khoảng 25 km về phía Đông Vientiane, không xa cầu Hữu Nghị số 1 qua Thái Lan.

Vườn được xây dựng vào năm 1958 bởi pháp sư Bounlua tôn kính. Hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ với nhiều hình dáng khác nhau, với chất liệu xi-măng thô mộc, rêu phong theo thời gian, kể lại cuộc đời và những câu chuyện của Đức Phật. Một tượng Phật nằm lớn được xây dựng bên cánh trái vườn và ngày nay được nhân dân trong vùng thờ phụng.

Vườn Phật Xiengkuane còn được xem là nơi thăng hoa của nghệ thuật kiến trúc pha trộn nhiều phong cách đặc trưng Hindu giáo, Phật giáo, những thần nhân trong sử thi Ramayana, những vị thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama, Sita… Ngay gần lối vào vườn tượng có một tác phẩm có hình khối cầu lửa lớn, mô phỏng lối thông giữa địa ngục và thiên đàng.

Thật không may, đúng dịp Tết Lào, một tấm bảng ghi “No entry” (Không vào được) trước ô cửa nhỏ. Đành vậy, chúng tôi ra về mà lòng tiếc ngẩn ngơ. Hôm nay, cả địa ngục lẫn thiên đàng đều đóng cửa…

Chùa thiêng Sỉ Mương.

Chùa thiêng Sỉ Mương.

3. Người Lào tin rằng để cầu may vào dịp Boun Pi May họ phải đi lễ ở chín ngôi chùa khác nhau trong vùng, trong những bộ trang phục truyền thống (gọi là phaa sin, phaa biang sash) với những mảng hoa văn đặc trưng. Người ta chuẩn bị sẵn những thùng nước nhỏ để tưới lên các tượng Phật, mở màn cho lễ hội té nước (Boun hot nam).

Trước khi tưới nước, người dân cung kính chắp tay cầu khấn, ước nguyện một năm mới tràn đầy hạnh phúc. Sau tượng Phật, người ta té nước lên các nhà sư, các vị bô lão, chức sắc, rồi đến những người xung quanh.

Người ta cũng tưới nước lên nhà chùa, vườn cây, nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất... để cầu mong sự tốt tươi mát mẻ cho muôn loài, một cuộc sống hạnh phúc no ấm, và cả sự thanh khiết, an lạc cho tâm hồn.

Những ai được té nước đều sẵn sàng đón nhận với tất cả niềm hân hoan và lòng biết ơn. Càng được té nhiều nước, thân thể và áo xống càng ướt sũng thì niềm vinh hạnh càng lớn lao.

Người ta té nước cho nhau, trong tiếng reo hò, trong cử chỉ thành tâm, trong những điệu múa trẻ trung và duyên dáng... thay cho những lời chúc phúc nồng nhiệt, tràn trề một cõi nhân văn.

Chiều hôm ấy ở Savannakhet khi ngồi trên một chiếc tuk tuk ra chợ chúng tôi cũng được đãi một trận ướt sũng mãn nguyện tràn trề! Dạo một vòng quanh chợ thì áo quần vừa khô, chặng đường trở về khách sạn chúng tôi quyết định cùng rảo bộ để được... ướt lần nữa, ướt nhiều nữa!

Hai bên đường, từng tốp thanh niên nam nữ mặt mày thanh lịch sáng sủa đã sẵn sàng những thùng nước, những khẩu súng nhựa bắn nước to đùng... trong niềm hứng khởi cao độ được phụ họa bằng những dàn âm thanh cực đỉnh.

Một anh thanh niên băng qua từ bên kia đường, trên tay cầm gáo nước, nghiêm cẩn ra hiệu cho tôi xòe tay, xong anh đổ gáo nước mát lên tay tôi. Ở một nhóm khác, tôi được ra hiệu hơi cúi người xuống, thế là một dòng nước chảy từ sau gáy tôi xuống mát tràn cả tấm lưng.

Kìa trời, một cô bé xinh đẹp đưa hai bàn tay mềm mại và mát lạnh áp vào hai bên má tôi, thế là tôi có một đôi má phết đầy bột trắng trước khi một trận nước “hội đồng” ập cả lên người.

Biết mình gặp phước may, bắt chước người Lào tôi chắp tay cúi đầu tạ ơn. Chỉ tiếc là trong buổi chiều thiện hạnh hồn nhiên này tôi đã không có sẵn nước ở bên người để được đáp đền...

Trong những ngày Boun Pi May, người dân xứ Vạn Tượng còn có nhiều cách chơi Tết sôi động nữa... Đó là khi cả đại gia đình đi bày tiệc ngoài trời bên bờ sông Mê Kông. Có thể hiểu được niềm vui hay ho của người dân xứ này khi đổ ra sông Mê Kông mùa lễ hội.

Chiều hôm ấy, trên đường từ Udon Thani (Thái Lan) trở về Lào, khi xe chạy ngang qua cầu Hữu Nghị số 1, tôi thấy rất đông người dân tràn xuống ngụp lặn vẫy vùng trên dòng Mê Kông rộng lớn, giữa trời nắng nóng, cảnh tượng quá đỗi thiêng liêng và kỳ vỹ làm gợi nhớ tục tắm nước sông vào ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam.

Bút ký của PGS.TS.BS Phạm Nguyên Tường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/uot-sung-voi-boun-pi-may-post636479.html