Ưu tiên chăm sóc sức khỏe tâm thần vì môi trường làm việc lành mạnh

Trong nhịp sống hiện đại, phần lớn thời gian trong một ngày dành cho công việc và nơi làm việc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Áp lực công việc, mối quan hệ đồng nghiệp,... có tác động trực tiếp đến sức khỏe tâm thần (SKTT) của người lao động. Vấn đề về SKTT như trầm cảm, lo âu,... đang ngày càng gia tăng. Do đó, quan tâm đến SKTT tại nơi làm việc không chỉ là trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Môi trường làm việc lành mạnh sẽ là nơi mọi người cảm thấy được quan tâm và tôn trọng (Ảnh: Ngọc Hân)

Môi trường làm việc lành mạnh sẽ là nơi mọi người cảm thấy được quan tâm và tôn trọng (Ảnh: Ngọc Hân)

Ngày 10/10 hàng năm, thế giới cùng nhau hưởng ứng Ngày SKTT với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của SKTT. Năm 2024, chủ đề tập trung vào "Ưu tiên SKTT tại nơi làm việc" đã đặt ra vấn đề cấp bách và cần được giải quyết.

Môi trường làm việc là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cả cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, với áp lực công việc và các mối quan hệ nơi làm việc, không ít người rơi vào mệt mỏi, kiệt sức, trầm cảm, thậm chí là bế tắc,...

Chị T.T.K.A. (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) tâm sự: “Có khoảng thời gian tôi rất sợ đến nơi làm việc, không phải vì áp lực công việc mà vì thái độ và cách làm việc của đồng nghiệp. Khi có sai sót xảy ra, thay vì cùng nhau bàn bạc, tìm cách giải quyết hợp lý nhất thì lại đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau. Thậm chí có những điều không liên quan đến công việc cũng bị đem ra soi mói. Không chỉ riêng tôi, bạn bè của tôi cũng gặp tình trạng tương tự”.

Tình trạng này kéo dài hơn 3 năm, thấy không cải thiện được, chị K.A. đến bệnh viện tâm thần khám, tư vấn tâm lý và được chẩn đoán đang mắc chứng rối loạn lo âu.

Sau khi gặp một số biến cố trong công việc và gia đình, chị N.T.T.T. (giáo viên một trường THCS tại TP.Tân An) trở nên ít nói và ngại giao tiếp hơn trước. Người nhà cứ nghĩ chờ thời gian, khi vượt qua được cú sốc tâm lý, tinh thần, chị sẽ ổn hơn nhưng tình trạng bệnh cứ mỗi ngày một nặng, thậm chí có lúc chị muốn kết thúc cuộc sống. Là người bạn thân, kề cận bên nhau hơn 10 năm, thấy biểu hiện của chị T.T., chị Phương Anh đưa bạn đi khám tâm thần và được chẩn đoán trầm cảm.

Theo Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An - bác sĩ Trần Văn Phương, các triệu chứng thường thấy khi người bệnh mắc chứng trầm cảm là tâm trạng tồi tệ, buồn, tuyệt vọng kéo dài. Người bệnh rơi vào vòng suy nghĩ chán nản, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, kèm theo các vấn đề về ăn, ngủ, năng lượng, sự tập trung và cách nhìn nhận giá trị bản thân. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu trên, người bệnh thường chủ quan không đến khám, tư vấn tâm lý hoặc không biết mình đang bệnh nên để tình trạng bệnh kéo dài.

Môi trường làm việc lành mạnh, công bằng giúp người lao động phát huy khả năng, tăng hiệu quả lao động (Ảnh:Thanh Nga)

Môi trường làm việc lành mạnh, công bằng giúp người lao động phát huy khả năng, tăng hiệu quả lao động (Ảnh:Thanh Nga)

Bác sĩ Phương đã khám, tư vấn tâm lý cho nhiều bệnh nhân trầm cảm mà nguyên nhân chính đến từ công việc và môi trường làm việc, trong đó nhiều nhất là giáo viên, nhân viên văn phòng khi chịu áp lực từ cấp trên, “bệnh thành tích”, từ đồng nghiệp,... Với những trường hợp này chủ yếu là tư vấn tâm lý. Người đến tư vấn tâm lý thường ở độ tuổi 20-25, khi mới đi làm và gặp một số khó khăn trong công việc, các mối quan hệ tại nơi làm việc. Kế đến là độ tuổi từ 35-45 khi cảm thấy nhàm chán với công việc nhưng lại không tìm kiếm được môi trường làm việc mới.

Người có biểu hiện nhẹ, bác sĩ Phương dành thời gian trò chuyện, gợi mở, hướng dẫn người bệnh lập kế hoạch cho công việc, ưu tiên những việc quan trọng và đặc biệt là phải biết từ chối những phần việc không thuộc về mình, tránh ôm đồm quá mức dẫn đến căng thẳng, áp lực khi thực hiện công việc không đúng tiến độ. Cũng có một vài trường hợp người bệnh có biểu hiện nặng, bác sĩ Phương liên hệ gia đình, tư vấn họ dừng công việc hiện tại để tập trung điều trị nội trú.

Bác sĩ Trần Văn Phương cho biết thêm: “Với bệnh này, người bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị tùy vào ý chí và khả năng của từng người bằng cách chia sẻ với người thân, bạn bè. Với những khúc mắc trong công việc, cần trao đổi thẳng thắn với cấp trên, đồng nghiệp, có sự phân công công việc rõ ràng. Trong các mối quan hệ tại nơi làm việc, cần sự cởi mở từ 2 phía. Khi xảy ra mâu thuẫn, phải bình tĩnh xem xét và đặt câu hỏi cho chính mình rồi đối thoại trực tiếp để tìm cách giải quyết. Khi các biện pháp tự điều trị đều không hiệu quả, người bệnh có thể đến các bệnh viện tâm thần để được điều trị bằng liệu pháp tâm lý hoặc bằng thuốc”.

SKTT không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội. Việc ưu tiên SKTT tại nơi làm việc nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh và phát triển bền vững. Ngày SKTT thế giới năm 2024 như một lời nhắc nhở để chúng ta hành động. Hãy cùng nhau tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi mọi người cảm thấy được quan tâm và tôn trọng!./.

Tâm An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/uu-tien-cham-soc-suc-khoe-tam-than-vi-moi-truong-lam-viec-lanh-manh-a183902.html