Ưu tiên cho tăng trưởng

Nền kinh tế đang phục hồi tích cực, với tăng trưởng GDP quý III.2024 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), và khớp với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Với diễn biến này, không còn quá lo về việc có đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để đạt được những thành tựu ấn tượng hơn nữa.

Đầu tiên phải kể đến bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 384.800ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, cùng với 35.000ha nuôi trồng thủy sản và 11.800 lồng bè bị hư hỏng hoặc bị cuốn trôi. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch bị phá hỏng, phải đóng cửa sửa chữa, làm giảm cơ hội phục vụ mùa du lịch cuối năm.

Ở phía cầu, thách thức cũng không nhỏ, nhất là khi tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm. Nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).

Ngoài ra, xuất khẩu cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhất là từ năm 2025, do các yếu tố khó lường toàn cầu như các cuộc xung đột như ở Trung Đông và Ukraine, sự điều chỉnh chính sách của một số nước lớn…

Trong bối cảnh như vậy, thị trường nội địa cần được thúc đẩy để duy trì tăng trưởng kinh tế và đối phó với các thách thức từ bên ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, sức mua trong nước 9 tháng qua vẫn còn thấp hơn so với năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (không tính yếu tố giá) chưa có nhiều cải thiện rõ rệt. Mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn. Các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực đầu tư chưa được khai thác hiệu quả…

Về ổn định kinh tế vĩ mô, vẫn tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt là từ bên ngoài. Lạm phát cần được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa thế giới có nhiều biến động. Tín dụng tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, cùng với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang tăng cao.

Tình hình hiện tại đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp đã đề ra để vượt qua những khó khăn, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong quý IV và cả năm đạt trên 7%, cao hơn mục tiêu 6,5% đã đặt ra. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 địa phương ngày hôm qua.

Cũng tại phiên họp này, các giải pháp đã được xác định rõ ràng và đầy đủ. “Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới”; Thủ tướng nhấn mạnh! Và dự kiến, ngày mai (9.10) Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch năm 2025, trước khi báo cáo này được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp khai mạc ngày 21.10 sắp tới. Theo đó, sẽ có thêm những đề xuất, những trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế được bàn thảo và đề nghị.

Giờ đây, điều quan trọng là Chính phủ và các cơ quan liên quan cần hành động quyết liệt và hiệu quả hơn để triển khai các giải pháp đó. Trong bối cảnh khó khăn và biến động hiện nay, những hành động mạnh mẽ và kịp thời sẽ là chìa khóa để bảo đảm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2024; từ đó tạo đà cho 2025 - năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm với áp lực lớn khi phải hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uu-tien-cho-tang-truong-post392585.html