Ưu tiên của Chính phủ là đàm phán, thiết lập các hiệp định thương mại tự do mới

Đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong duy trì, thúc đẩy và phát triển tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tiếp tục tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, ưu tiên của Chính phủ là đàm phán, thiết lập các FTA mới.

Chiều 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương.

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương.

Xuất khẩu của Việt Nam đã thoát khỏi vòng xoáy suy giảm và phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế toàn cầu biến động khó lường, nhiều tồn tại vướng mắc tích tụ từ lâu, nhưng những năm qua, đặc biệt trong 8 tháng năm 2024, toàn ngành công thương đã nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Đáng chú ý, hoạt động ngoại thương tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao với tốc độ hai con số (trừ năm 2023 do trường toàn cầu suy thoái). Đến nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số sản phẩm có thế mạnh, như gạo, thủy sản, đồ gỗ, da giầy…

Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của nước ta đã thoát khỏi vòng xoáy suy giảm và phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 265 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

Một điểm sáng nữa của toàn ngành là sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2024 tăng trưởng từ 7-8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%. Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và IIP có thể vượt kế hoạch đề ra.

 Quang cảnh cuộc làm việc.

Quang cảnh cuộc làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành công thương cũng đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức. Trong đó, nhiệm vụ đảm bảo đủ điện là thách thức lớn sau nhiều năm không được bổ sung nguồn điện mới. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển điện năng theo Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng quốc gia gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực, nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính. Thương mại trong nước tăng trưởng khá, nhưng hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế. Đồng thời, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.

Tạo ra khung khổ pháp lý mở đường cho sự phát triển trong tương lai

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của Bộ và ngành công thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đặt biệt là trong 8 tháng qua.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm. Cụ thể: Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiến tạo, mở đường cho phát triển.

"Thể chế được xây dựng không chỉ để quản lý những cái đã có, mà phải suy nghĩ, thí điểm, triển khai những cái mới, để tạo ra khung khổ pháp lý mở đường cho sự phát triển trong tương lai", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đồng thời đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.

Hai là, tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Ngành công thương cần khẳng định và phát huy vai trò chủ lực. Trong đó, xây dựng được các quy chế, quy định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, thí điểm dự án năng lượng tái tạo…; tập trung vào điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch, triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng, phát triển các dự án có hiệu quả.

Ba là, đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong duy trì, thúc đẩy và phát triển tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). "Ưu tiên của Chính phủ là đàm phán, thiết lập các FTA mới", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06; tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uu-tien-cua-chinh-phu-la-dam-phan-thiet-lap-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-moi-post312782.html