Ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm với mục tiêu người dân được hưởng lợi nhiều nhất

Sau gần 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai tại xã Đức Xuân, huyện Thạch An, Cao Bằng đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Có thể nói, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước với nhiều nội dung thành phần có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực; trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ DTTS nghèo. Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của địa phương; giảm dần thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân.

Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi cùng Chủ tịch UBND xã Đức Xuân Đinh Thế Công.

 Một góc xã Đức Xuân

Một góc xã Đức Xuân

+ Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình tại địa phương những năm qua?

- Ông Đinh Thế Công: Kinh nghiệm của địa phương trong triển khai chương trình là tích cực đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, huy động sự đóng góp trong cộng đồng dân cư và tích cực huy động xã hội hóa. Điển hình trên địa bàn xã Đức Xuân giai đoạn 2021 - 2023 từ nguồn vốn chương trình được đầu tư 02 nhà văn hóa ở thôn Pác Lũng và thôn Pác Khoang với tổng kinh phí 300 triệu/1 nhà, sau khi vận động tuyên truyền đã được nhân dân trong thôn đồng lòng ủng hộ hiến đất để xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng thôn.

+ Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xóa đói giảm nghèo, từ thực tiễn tại địa phương, đâu là điểm mấu chốt cần tập trung, thưa ông?

- Ông Đinh Thế Công: Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xóa đói giảm nghèo từ thực tiễn địa phương điểm mấu chốt cần tập trung đó là: Đào tạo nghề, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm của người dân.

+ Một trong những tác động được xem là tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại địa phương. Ông có thể nói rõ hơn về những đổi thay tích cực này?

- Ông Đinh Thế Công: Những tác động tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa phương là hệ thống đường giao thông thông nông thôn đi lại dễ dàng 4 mùa, mương thủy lợi được đầu tư đồng bộ chủ động được nguồn nước tưới tiêu trong sản suất.

+ Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Ở địa phương, những bất cập đó cụ thể là gì, thưa ông?

- Ông Đinh Thế Công: Hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự đồng bộ; cơ chế thực thi chính sách còn thiếu những đổi mới mang tính đột phá; văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; ngân sách địa phương chưa tự cân đối được, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, khó có thể lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện một số chính sách, do vậy không đạt được mục tiêu các đề án, chính sách đã được phê duyệt.

 Cánh đồng ngô xã Đức Xuân (Thạch An).

Cánh đồng ngô xã Đức Xuân (Thạch An).

+ Một trong những vướng mắc lớn cũng là hiện tượng đáng lo ngại mà nhiều địa phương cũng đang gặp phải là tư tưởng còn ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của người dân một số vùng, thậm chí còn có hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp. Theo ông, nguyên nhân của những tư tưởng này là do đâu? Địa phương đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào để thay đổi nhận thức của người dân?

- Ông Đinh Thế Công: Một trong số vướng mắc ở địa phương xã Đức Xuân cũng như nhiều địa phương khác là người dân vẫn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước sợ mất các chính sách hỗ trợ như bảo hiểm y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất cây, con, giống, chi phí học tập cho con em; Tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Để người dân thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại là một quá trình “mưa dầm thấm lâu” trong công tác tuyên truyền, vận động. Để làm được điều đó, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực, thường xuyên. Nhờ vậy, đến nay, tư tưởng của đại đa số người dân đã được thông suốt, tích cực tham gia các phong trào đóng góp làm giao thông và các hoạt động khác. Có nhiều hộ dân đã sẵn sàng đóng góp kinh phí để làm đường bê tông, chưa kể đóng góp làm nhà văn hóa xóm…

+ Có ý kiến cho rằng sau 3 năm thực hiện, cần rà soát danh mục dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Từ thực tiễn triển khai chương trình tại địa phương những năm qua, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Ông Đinh Thế Công: Sau 3 năm thực hiện tại địa phương, xã Đức Xuân chưa có phản ánh về vấn đề này. Để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải tại địa phương, UBND xã Đức Xuân đã tổ chức họp lấy ý kiến của người dân để ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm hiệu quả nhất với mục tiêu người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình.

 Diện tích hồi tại xã Đức Xuân (Thạch An) đạt hiệu quả kinh tế cao

Diện tích hồi tại xã Đức Xuân (Thạch An) đạt hiệu quả kinh tế cao

+ Ngoài những bất cập, vướng mắc đã nêu trên, từ thực tiễn triển khai tại địa phương, ông có đề xuất, kiến nghị để có thể tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương?

- Ông Đinh Thế Công: Từ thực tiễn triển khai tại địa phương nhu cầu thì rất nhiều, tuy nhiên nguồn vốn cấp về địa phương chỉ đáp ứng một phân nào. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa UBND xã Đức Xuân đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền là thăm thêm nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.

+ Xin cảm ơn ông.!

Thành Vinh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uu-tien-dau-tu-cac-cong-trinh-trong-diem-voi-muc-tieu-nguoi-dan-duoc-huong-loi-nhieu-nhat-post275663.html