Ưu tiên phát triển tổ chức hành nghề công chứng

Ngày 19.11.2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 172 về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm tạo sự ổn định, bền vững cũng như thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ. triển khai nghị quyết này, tỉnh ta có nhiều giải pháp trong ưu tiên phát triển, đổi mới hoạt động Công chứng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trên địa bàn.

Công chứng viên Văn phòng Công chứng Hoàng Kim (thành phố Hà Giang) kiểm tra các loại giấy tờ hợp pháp.

Công chứng viên Văn phòng Công chứng Hoàng Kim (thành phố Hà Giang) kiểm tra các loại giấy tờ hợp pháp.

Công chứng (CC) là hoạt động pháp lý, bổ trợ tư pháp có vai trò quan trọng trong đời sống KT - XH. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 phòng, Văn phòng CC đặt tại thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên và Bắc Quang. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, các tổ chức hành nghề CC trên địa bàn tỉnh thực hiện CC trên 6.250 hợp đồng, giao dịch và các loại việc khác… Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, hoạt động CC được xã hội hóa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt trong nâng cao an toàn Pháp lý, phòng ngừa các vi phạm pháp luật trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề CC còn tích cực tuyên truyền những quy định, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân.

Bên cạnh Luật CC năm 2014, Nghị quyết số 172 của Chính phủ về phát triển nghề CC là cơ sở pháp lý nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động CC phát triển ổn định, bền vững. Triển khai nghị quyết, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó, đưa ra những giải pháp nhằm phát triển đội ngũ CC viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội. Ưu tiên, tạo mọi điều kiện phát triển tổ chức hành nghề CC gắn với địa bàn dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục đổi mới các phòng CC bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, có năng lực tự chủ và giữ vai trò then chốt trong thị trường dịch vụ CC, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động CC …

Đồng chí Phạm Ngọc An, Trưởng Phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Thực hiện các chính sách phát triển nghề CC, phòng đã trực tiếp tham mưu, phối hợp rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản chưa phù hợp với hoạt động CC. Tập trung củng cố, phát triển đội ngũ CC viên gắn với nhu cầu tại tỉnh. Vừa qua, đã tham mưu cho sở phối hợp mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho toàn bộ CC viên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh tiến tới ban hành Quy định về tiêu chí, cách thức xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng CC trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để CC viên tiếp cận các thủ tục thành lập theo đúng nguyên tắc cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động CC.

Cùng với chuẩn hóa quy trình, thủ tục CC, hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực CC đã được tăng cường. Hiện tại, các tổ chức hành nghề CC trên địa bàn tỉnh đã và đang ứng dụng cơ sở dữ liệu CC dựa trên quy chế khai thác, sử dụng, đảm bảo trong kết nối, chia sẻ. Theo đó, ngay sau khi Luật CC năm 2014 có hiệu lực, Sở Tư pháp đã kết nối, định hướng và liên hệ cho các phòng, Văn phòng CC trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ từ nguồn kinh phí xã hội hóa để ứng dụng cơ sở dữ liệu CC vào hoạt động chuyên môn. Qua đó, kết nối, tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, chứng thực… giúp tiết kiệm thời gian, bảo đảm chính xác, an toàn trong hoạt động CC. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm về khai thác sử dụng hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng và cập nhật dữ liệu liên quan.

Có thể khẳng định, các tổ chức hành nghề CC trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động CC hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập: Thiếu kinh phí để duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu CC; hoạt động đào tạo nhân lực còn hạn chế dẫn đến nguy cơ thiếu đội ngũ kế cận, nguồn CC viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; phát triển tổ chức hành nghề CC ở các địa phương vùng sâu, xa còn hạn chế… Do đó, đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục tăng cường nguồn lực, giải pháp nhằm nâng cao năng lực, phát triển nghề CC đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần tích cực vào sự phát triển KT – XH của tỉnh.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202107/uu-tien-phat-trien-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-778715/