Ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân

Đảng và Nhà nước ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế tại Bình Phước thời gian qua cho thấy, kinh tế tư nhân đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực, dự án xã hội và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển chung của tỉnh. Chính vì vậy, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân là đột phá chiến lược Bình Phước ưu tiên trong thời gian tới. Tỉnh đã xác định mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm gắn với tình hình thực tế tại địa phương.

TRIỂN KHAI TRỌNG ĐIỂM 3 CHƯƠNG TRÌNH ĐỘT PHÁ

Để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân, Bình Phước ưu tiên triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình đột phá quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.

Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Bình Phước ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; phát triển đường giao thông liên huyện; thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến giao thông trọng điểm. Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số. Phát triển mạng lưới truyền tải điện cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, nhà máy và sản xuất, sinh hoạt của người dân. Xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời tập trung đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, nhất là cơ sở vật chất trường học, y tế phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với quy hoạch và phát triển du lịch. Chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển.

Tuyến đường Lê Quý Đôn (phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài) được nâng cấp thảm nhựa toàn tuyến - Ảnh: Nhã Trâm

Cùng với đó là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao; nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, có kỹ năng phục vụ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả nhân tài; thu hút người tài và người Bình Phước thành đạt ở trong và ngoài nước về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đạt được kết quả nhất định trong lĩnh vực cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ở một số bộ phận, lĩnh vực, đơn vị, địa phương, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN còn rườm rà, chưa nhanh gọn, thông suốt… Vì vậy, để thu hút đầu tư, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Bình Phước xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX...

Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Trong đó, ngoài nội dung ưu đãi về thuế, đất đai theo quy định của Chính phủ, tập trung nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù riêng cho các lĩnh vực như: Xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, môi trường, giám định tư pháp; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

Thực hiện xúc tiến đầu tư trên tất cả ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm thu hút đầu tư như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, các lĩnh vực xã hội hóa để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Giai đoạn 2021-2025, Bình Phước phấn đấu thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 170 ngàn tỷ đồng, chiếm 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, huy động từ khu vực kinh tế tư nhân (kể cả xã hội hóa và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 120 ngàn tỷ đồng, chiếm 57,2%; vốn đầu tư nước ngoài 50 ngàn tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 210 ngàn tỷ đồng).

Tổng số dự án cần thu hút là 830, với tổng vốn đăng ký 170 ngàn tỷ đồng. Trong đó, kinh tế tư nhân (thu hút đầu tư trong nước) 630 dự án với số vốn đăng ký 120 ngàn tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài 200 dự án với số vốn đăng ký 50 ngàn tỷ đồng.

Đa dạng hóa các kênh xúc tiến đầu tư thông qua đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tăng cường hiệu quả các cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh. Xây dựng cơ chế giao ban về xúc tiến đầu tư để phát huy tốt vai trò của các ngành, cấp trong xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư tập trung vào các công ty, tập đoàn đa quốc gia, DN có uy tín và thương hiệu lớn của Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…; chuyển trọng tâm từ nhấn mạnh số lượng sang coi trọng chất lượng; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có giá trị gia tăng cao... Ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025, bám sát quy hoạch tỉnh để thu hút đầu tư có hiệu quả. Chậm nhất ngày 15-12 phải ban hành chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể cho năm tiếp theo để có cơ sở thực hiện.

Thanh Trà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/137588/uu-tien-thu-hut-dau-tu-phat-trien-kinh-te-tu-nhan