Ưu tiên thực hiện chính sách giảm nghèo ở huyện Đà Bắc

Đà Bắc là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh của cả nước. Huyện có dân số trên 60.000 người, 12/17 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89,72%. Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc chính: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh cùng chung sống.

Đà Bắc là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh của cả nước. Huyện có dân số trên 60.000 người, 12/17 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89,72%. Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc chính: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh cùng chung sống.

Hộ dân xã Tú Lý (Đà Bắc) tham gia mô hình giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất và chăn nuôi nhằm ổn định sinh kế.

Hộ dân xã Tú Lý (Đà Bắc) tham gia mô hình giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất và chăn nuôi nhằm ổn định sinh kế.

Những năm qua, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương về chính sách giảm nghèo, UBND huyện đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch. Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động…

Đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Công tác giảm nghèo được đảng bộ, chính quyền các cấp của huyện đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển KT-XH. Trên cơ sở đó, công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được triển khai đến các tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền chính sách được thực hiện với hình thức đa dạng, thiết thực, như: đưa tin, bài giới thiệu những chính sách mới trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền bằng tờ rơi, pano, áp phích niêm yết tại nhà văn hóa xóm, bản, tiểu khu… Mặt khác, huyện chỉ đạo các ngành, các cấp huy động nguồn lực, tăng cường trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ về giảm nghèo, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Với sự ưu tiên về nguồn lực để sớm thoát khỏi tình trạng nghèo, huyện được đầu tư nhiều chương trình, dự án quan trọng, trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2023, huyện được ngân sách Trung ương phân bổ trên 162 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ xây dựng mới 11 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, duy tu bảo dưỡng 260 công trình. Bên cạnh đó, xây dựng 19 mô hình giảm nghèo, hỗ trợ 37/93 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, xây mới và sửa chữa nhà ở cho 749 hộ khó khăn về nhà ở.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đà Bắc còn 25,77%, giảm 9,17% (tương đương 1.355 hộ), đạt 146,72% kế hoạch. Mục tiêu tăng thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng đạt kết quả nhất định, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 41,3 triệu đồng/năm. Cũng theo đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện, những bước chuyển quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương có sự thúc đẩy từ chính sách của Đảng, Nhà nước. Huyện tập trung giảm nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn, khai thác hiệu quả các lợi thế của huyện. Công tác này còn tác động tích cực về xã hội, giúp nâng cao ý thức người dân trong tham gia các phong trào, cuộc vận động, phát huy tinh thần "tương thân, tương ái”, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH của địa phương.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế: tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhưng chưa thực sự bền vững; các hộ mới thoát nghèo dễ rơi vào nguy cơ tái nghèo; một số hộ nghèo, cận nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, huyện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn kiến thức về quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ DTTS các cấp, nhất là cán bộ cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền công tác an sinh xã hội, mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng để phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc; đẩy mạnh đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động người DTTS; chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã có đông đồng bào DTTS…

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/314/194583/uu-tien-thuc-hien-chinh-sach-giam-ngheo-o-huyen-da-bac.htm