Ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê

Khó tiếp cận nhà ở xã hội, thu nhập không đủ tích góp để mua nhà ở; nên xây dựng nhà ở cho người lao động thuê trọ... là những chia sẻ được hầu hết lao động nữ, công nhân viên chức thuộc các ngành nghề đề đạt tại hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động do HĐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Dự án nhà ở xã hội City home tại thành phố Thủ Đức. (Ảnh Tùng Quang)

Dự án nhà ở xã hội City home tại thành phố Thủ Đức. (Ảnh Tùng Quang)

Chị Nguyễn Thị Thu Phương, lái xe ôm công nghệ, ngụ quận 7, trải lòng: “Thu nhập của tôi mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, chỉ đủ nuôi một con trai đang đi học, cộng thêm tiền thuê nhà trọ là 1,5 triệu đồng. Còn lại phải tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống nên chuyện tích lũy mua nhà là rất xa vời”. Chị Phương kiến nghị, mỗi quận, huyện cần xây dựng các chung cư có diện tích căn hộ phù hợp cho gia đình có 2-4 người với giá cả phù hợp thu nhập của công nhân, người lao động, có thể bán trả góp hoặc cho thuê giá rẻ.

Còn chị Trần Thị Thúy Huỳnh, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12, hiện là công nhân tại Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận Tân Bình, cho biết, lương mỗi tháng của hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn 10 triệu đồng. Tiền học của một đứa con cũng mất khoảng 2 triệu đồng, chưa kể chi phí sinh hoạt, đi lại nên vợ chồng chị vẫn ở nhờ nhà ba mẹ chồng mà không biết bao giờ mới có được căn nhà riêng dù là đi thuê...

Việc tiếp cận để mua nhà ở xã hội là điều không dễ dàng, trong khi đó dành dụm để có tiền mua nhà ở xã hội là chuyện khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều người lao động, nữ công nhân có mong muốn được thuê nhà từ nguồn nhà ở của thành phố xây dựng với giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền dành dụm và thu nhập hằng tháng.

Làm công việc giúp việc nhà và tham gia Nghiệp đoàn giúp việc nhà tại thành phố Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Chính mong muốn thành phố có quỹ nhà để cho thuê với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng, đây là mức giá phù hợp thu nhập của người làm thuê. Theo bà Chính, dù sao thuê nhà của Nhà nước với điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, an ninh trật tự vẫn yên tâm hơn đi thuê của tư nhân.

Bà Đoàn Thị Minh Diệp, giảng viên Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), đề nghị thành phố cần tập trung phân khúc cho thuê nhà ở xã hội hơn là bán nhà ở xã hội vì nhu cầu đi thuê là có thật và hợp lý với thu nhập hằng tháng của người lao động. Chính quyền thành phố cần kết nối, tăng trách nhiệm của các doanh nghiệp có đông người lao động trong xây dựng nhà ở xã hội, như vậy sẽ giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhà cho thuê là chính sách rất lớn mà thành phố cần quan tâm vì nhiều người lao động từ tỉnh lên thành phố chỉ có nhu cầu thuê nhà ở đi làm, lúc về già lại trở về quê sinh sống. “Thành phố phải tính đến việc xây dựng nhà cho thuê để người lao động có nơi ở an toàn, sạch đẹp, có trường học, bệnh viện thuận lợi... Đây là chính sách khả thi hơn, căn cơ hơn so với việc xây nhà ở xã hội để bán. Thành phố cần chú trọng triển khai việc nâng cấp, sửa chữa nhà trọ cũ, xuống cấp để đáp ứng hàng nghìn chỗ thuê trọ trên địa bàn thành phố”, bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị.

Hầu hết nữ công nhân, viên chức, người lao động làm thuê đều mong muốn sớm tiếp cận nhà ở xã hội, đồng thời kiến nghị chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng công khai, minh bạch thông tin về nhà ở xã hội, nhà cho thuê, điều kiện được giải quyết mua, thuê nhà ở xã hội... qua đó, giúp người lao động an cư lạc nghiệp.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên website chính thức của Sở Xây dựng và ứng dụng SXD 24/7 hiện đã có đầy đủ các thông tin về các dự án nhà ở xã hội cũng như pháp lý của dự án trên địa bàn thành phố nên người lao động có thể theo dõi thông tin tại các địa chỉ trên. Trước giai đoạn năm 2019, giá thành căn hộ không vượt quá 16 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay giá cả, chi phí tăng lên thì giá trị căn hộ ở mức hơn 20 triệu đồng/m2, tương đương khoảng từ 1 đến 1,6 tỷ đồng/căn. Với giá trị căn hộ như vậy, người lao động chỉ có thể để dành khoảng 20-25% thu nhập (tương ứng 1,5-1,8 triệu đồng/tháng) thì thời gian trả sẽ kéo dài, trong khi quy định pháp luật hiện nay chỉ cho phép trả góp một căn hộ tối đa 15 năm và chính sách nhà ở xã hội chỉ tối đa 5 năm.

Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các sở, ngành chức năng phải tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án.

Trước mắt, thành phố tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ). Nhanh chóng giải quyết các thủ tục, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025 đã được HĐND thành phố thông qua.

Ban Đô thị HĐND thành phố phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vừa tổ chức phiếu khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở hơn 40.950 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động. Kết quả ghi nhận, 41% các chị tham gia khảo sát cho biết, hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố. Như vậy, khoảng 83% nữ công nhân, viên chức lao động thành phố chưa có nhà ở riêng.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/uu-tien-xay-dung-nha-luu-tru-nha-cho-cong-nhan-thue-695090/