Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chuẩn bị nhận hơn 1.100 tỷ cổ tức từ GVR

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023, tỷ lệ 3%/mệnh giá (tương đương 300 đồng/1 cổ phiếu). Ước tính số tiền tập đoàn chi trả cho đợt cổ tức này lên đến 1.200 tỷ đồng.

Cụ thể, GVR sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%/mệnh giá (tương đương 300 đồng/1 cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng vào 15/11 tới đây, thời gian thực hiện chi trả cổ tức dự kiến vào 12/12. Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính GVR cần chi 1.200 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.

Trong cơ cấu cổ đông GVR, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đang nắm gần như toàn bộ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 96,77% vốn, ước tính thu về hơn 1.161 tỷ đồng từ cổ tức GVR, đúng như kế hoạch phân phối lợi nhuận đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Kế hoạch chi trả cổ tức được GVR công bố trong bối cảnh đơn vị này vừa thông báo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Doanh thu hợp nhất 9 tháng ước đạt 16.207 tỷ đồng, thực hiện được 65% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 2.386 tỷ đồng, thực hiện 69% mục tiêu lợi nhuận.

Như vậy, tính riêng quý III, lợi nhuận sau thuế GVR ước đạt 801 tỷ đồng, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp nhiều thuận lợi khi cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm. Bên cạnh đó là diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực hơn so với dự báo kế hoạch nhờ nguồn cung suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Hơn nữa là nhu cầu mua tăng lên hơn từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhận định về năm 2025, lãnh đạo GVR cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia trên thế giới; biến động giá cả hàng hóa thế giới (xăng dầu, vàng…), thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến khó lường.

Tập đoàn kỳ vọng năm 2025, doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.490 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 3.900 tỷ đồng. Tổng Giám đốc GVR cho biết, bên cạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh truyền thống, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực đầu tư ngoài cao su theo chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Ủy ban phê duyệt gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo ngoài thủy điện.

Trong báo cáo phân tích hồi cuối tháng 9, Chứng khoán SSI nhận định, GVR có lợi thế khi sở hữu diện tích đất cao su lớn, với quỹ đất 394.782 ha trải khắp các tỉnh thành, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh,... Trong dài hạn, việc chuyển đổi hơn 23.000 ha đất trồng cao su sang đất KCN trong giai đoạn 2025-2030 sẽ giúp công ty ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ việc chuyển đổi đất.

Trong ngắn hạn (quý IV/2024 – quý I/2025), bảng giá đất mới tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh sẽ được công bố. Chúng tôi kỳ vọng bảng giá đất mới sẽ tăng 20% - 3 lần so với giá hiện tại.

Đồng thời, lợi nhuận cao su tiếp tục được hưởng lợi từ giá cao su tăng. Theo ước tính của SSI, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của GVR tăng 0,22% (mảng sản xuất cao su chiếm 60% tổng lợi nhuận trước thuế). Do đó, chuyên gia ước tính tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2024 sẽ đạt 29% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể tác động đến kinh doanh của GVR là việc chuyển đổi đất trồng cao su sang phát triển KCN có thể gặp khó khăn và chậm tiến độ, và nhu cầu cao su nói chung có thể giảm do nền kinh tế toàn cầu gặp khó.

 SSI Research dự báo kết quả kinh doanh của GVR. Ảnh: SSIResearch.

SSI Research dự báo kết quả kinh doanh của GVR. Ảnh: SSIResearch.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-chuan-bi-nhan-hon-1100-ty-co-tuc-tu-gvr.html