Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Sáng 15-7, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

 Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Đề nghị thống nhất tên gọi như dự án Luật

Tên gọi của dự án Luật là nội dung được thảo luận sôi nổi. Một số ý kiến đề nghị sửa tên Luật là “Luật Dân quân, Tự vệ” hoặc “Luật Dân quân và Tự vệ”, vì dân quân và tự vệ là hai chủ thể khác nhau, có chế độ, chính sách cơ bản không giống nhau...

Về vấn đề này, báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Cụm từ “Dân quân tự vệ” tại tên dự thảo Luật đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009; cụm từ “Dân quân tự vệ” là dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần lực lượng vũ trang. Theo quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức, nhưng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ là thống nhất. Mặt khác, tên gọi “Dân quân tự vệ” gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Dân quân tự vệ qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ tên gọi của dự thảo Luật như Chính phủ trình.

Đồng tình với quan điểm trên và giải thích rõ hơn về vấn đề này, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ: Về tên gọi của Luật không có vướng mắc gì, điều này đã quy định trong Hiến pháp. Lực lượng Dân quân tự vệ gồm có 2 khối, khối địa phương và khối ở cơ quan, doanh nghiệp. Gọi như thế cho thuận nhưng nhiệm vụ của đối tượng này đều do Bộ Quốc phòng chỉ huy. Ngoài chức năng Bộ Quốc phòng giao, lực lượng Dân quân tự vệ còn có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ khác khi cần. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nguyên tên như dự án Luật.

 Thượng tướng Phan Văn Giang giải trình thêm ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thượng tướng Phan Văn Giang giải trình thêm ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh quan điểm trong tác chiến phòng thủ là: Làng giữ làng, xã giữ xã, tỉnh giữ tỉnh, các cơ quan giữ các cơ quan..., lực lượng Dân quân tự vệ được tổ chức ra để trước tiên bảo vệ chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình và đồng thời cũng có nhiệm vụ sẵn sàng lưu động để phối hợp, tác chiến với các cơ quan, địa phương khác...

Có nên bố trí sĩ quan quân đội đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã?

Về Ban chỉ huy quân sự cấp xã (quy định tại Điều 20), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định sĩ quan Quân đội nhân dân bố trí làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình để bảo đảm thể chế hóa nghị quyết của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” và bảo đảm tương xứng với Công an xã hiện nay đang xây dựng chính quy.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định của dự thảo Luật đã thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; thống nhất với Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “Địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp”. Mặt khác, quy định này không làm tăng biên chế, vì hiện nay, cơ bản Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và được phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Do vậy, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi vào phục vụ tại ngũ và trở thành sĩ quan chính quy, khi hết tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, thì được giải ngũ theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ làm tăng khoảng 11.000 đồng chí và tăng ngân sách nhà nước hằng năm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; làm dôi dư và phát sinh giải quyết chế độ, chính sách cho số công chức đang đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã. Mặt khác, thực tế, theo quy định của pháp luật hiện hành, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ và tránh hiểu là điều động sĩ quan Quân đội thường trực đảm nhiệm chức danh này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại điểm a khoản 1 như sau: “a) Chỉ huy trưởng là công chức cấp xã; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã”.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Mục tiêu của luật này là giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, là một lực lượng vững mạnh, rộng khắp, chú trọng biên giới, hải đảo, song vẫn bảo đảm tinh gọn, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực; việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phải bám sát tình hình, xu hướng của công tác quân sự, quốc phòng, đặc thù trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật, xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh để Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-dan-quan-tu-ve-sua-doi-577161