Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 28-9, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thảo luận về nội dung này, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo đúng thẩm quyền và đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với 3 vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày cho thấy, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Thừa Thiên Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng; trong đó, với vị trí nằm ở trung độ của cả nước, tỉnh có vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam, có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam; là nơi từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1802) và 143 năm với vương triều Nhà Nguyễn (1802-1945). Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh.

Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, triển khai các kết luận, nghị quyết của Trung ương, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước; bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ủy ban này và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận là phù hợp với các chỉ đạo và định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và hoàn toàn đủ điều kiện áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 đối với trường hợp thành lập đơn vị hành chính đô thị có yếu tố bảo tồn di sản. Đối chiếu với hiện trạng thực tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có kế hoạch và định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập.

Tại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế hiện nay để thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã Phong Điền; sắp xếp 2 huyện (nhập huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc) và thành lập thị trấn trên địa bàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ tám sắp tới (tháng 10-2024).

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-tan-thanh-thanh-lap-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-796472