Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Chiều 26/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày Tờ trình

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày Tờ trình

Trong đó, dự thảo giữ nguyên tên gọi các nội dung so với Luật Việc làm 2013 gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm; đổi tên nội dung “Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm” thành “Dịch vụ việc làm”, “Thông tin thị trường lao động” thành “Hệ thống thông tin thị trường lao động”; bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên “Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” thành “Phát triển kỹ năng nghề”; bổ sung nội dung “Đăng ký và quản lý lao động”.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động đối với người lao động có việc làm và người thất nghiệp; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; các quy định về đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tăng cường năng lực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và chuẩn hóa đội ngũ đánh giáo viên; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đa số ý kiến của các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và quan điểm xây dựng Luật như thể hiện trong Tờ trình, tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Việc làm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu

Cụ thể, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật phải kế thừa, phát triển những quy định hiện hành, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện, nghiên cứu, xem xét để quy định phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, bảo đảm của ngân sách nhà nước đối với các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước, nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định để làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, thị trường lao động trình độ cao. Nghiên cứu xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kết nối và phát triển thị trường lao động, việc làm xanh.

Đồng thời, cần thúc đẩy vai trò và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, các hội nghề nghiệp để phát triển thành viên, kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa người lao động làm việc trong cùng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho lao động. Đồng thời, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực và xã hội hóa dịch vụ việc làm.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, trong dự thảo luật đã thể hiện khá rõ nội dung về đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quy định về đăng ký và quản lý lao động, dự thảo Luật mới chỉ nêu 5 đối tượng yếu thế, đặc thù gồm: người khuyết tật, người có thu hồi đất, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công có cách mạng, trong đó chưa có đối tượng người dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm người dân tộc thiểu số vào nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù, đây là điều rất có ý nghĩa và cần thiết đối với các đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung cho biết, Nghị quyết số 27/NQ-TW yêu cầu ban hành các đạo luật có thể áp dụng trực tiếp, hạn chế số lượng văn bản dưới luật, tránh tình trạng luật giao quá nhiều văn bản chi tiết, không thể ban hành kịp tiến độ, gây khoảng trống trong pháp luật, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự điều chỉnh. Đại biểu cho rằng cần có tiêu chí cụ thể thế nào là luật khung, luật chi tiết, để có hướng tiếp thu trong từng luật, đặc biệt với các luật khó như Luật Việc làm. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra khi sửa đổi luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu

Đóng góp ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, theo Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ký hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật này không có quy định nào liên quan đến thống kê thông tin lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đặt vấn đề, số lao động này sẽ được quản lý như thế nào? Việc rà soát các lao động này để đảm bảo việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là cần thiết.

Về chính sách của Nhà nước về việc làm, Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với ngành nghề sử dụng lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật này không có quy định cụ thể để thể hiện chính sách ưu đãi đó. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, lao động nữ, người cao tuổi, nhưng trong dự thảo Luật chỉ đề cập đến nhóm lao động là thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật. Đại biểu đề nghị bổ sung đúng các nhóm cần hỗ trợ để đảm bảo sự nhất quán trong văn bản pháp luật.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Xã hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2023; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2024; cho ý kiến tham gia thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu./.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu./.

Hồ Hương - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=89505