V.League muốn có VAR cũng không dễ
Thoạt tưởng chỉ cần có tiền, mua thiết bị về nước là các trận đấu của V.League sẽ có ngay VAR để sử dụng. Nhưng mới đây FIFA thông báo nếu V-League muốn áp dụng công nghệ VAR, thì VFF cần tập huấn trọng tài từ 7-8 đợt.
Tưởng như khó khăn nằm ở việc trang bị thiết bị, dù VFF đưa phương án xây dựng 2 phòng VAR di động nằm trên xe hơi để tiết kiệm chi phí nhưng cũng mất vài chục tỷ. Để triển khai, phái đoàn FIFA đã làm việc với VPF và họ ấn định cho trọng tài Việt Nam phải tập huấn 7-8 đợt, mỗi đợt 7-10 ngày với cả 100 trọng tài, như vậy sẽ kéo dài thời gian cả năm. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay, có vét hết cũng không lấy đâu ra 50% số lượng trọng tài mà FIFA yêu cầu.
Thái Lan, Anh gặp phải tranh cãi
Thực tế, về lý thuyết VAR sẽ giúp cho các quyết định của trọng tài chính xác hơn nhưng thực tế lại không đơn giản như thế. Giải Thai League 2020 cũng đã tiến hành sử dụng công nghệ VAR trong các trận đấu sau mùa thử nghiệm gây rất nhiều tranh cãi. Đầu mùa giải 2019, VAR cũng đã được áp dụng, nhưng nó chính là nguyên nhân khiến cho kiện cáo om sòm giữa các CLB khiến BTC Thai League phải hủy bỏ quyết định sử dụng VAR trong quãng thời gian còn lại của mùa giải.
Trọng tài Anh chỉ nghe tư vấn chứ không xem trực tiếp. Ảnh Premier League
Tại giải Premier League tình hình sử dụng VAR cũng gây tranh cãi không kém. Cổ động viên Chelsea chế nhạo "Varchestvar Varnited" - chơi chữ ghép VAR vào tên của Manchester United. Khi “nhân vật chính” VAR có 2 quyết định có lợi cho Man United và bất lợi cho “The Blues” trong trận MU thắng 2-0.
Tranh cãi trong trận Liverpool thắng Man City 3-1 vừa qua là hai tình huống mà xem kỹ VAR thì Man City có thể được hưởng phạt đền. Tất nhiên nếu điều đó xảy ra thì cục diện trận đấu sẽ thay đổi ngược hẳn 180 độ.
Ban tổ chức Premier League “phúc tra” 227 tình huống của VAR thì sai số 4, máy móc mà vẫn sai thì đúng là khó hiểu. Hiện nay Premier League - có quá nhiều tranh cãi xung quanh các quyết định của VAR bởi cách làm cũng khác người của chính người Anh.Thực tình thì FIFA chỉ yêu cầu Premier League hay bất cứ giải đấu nào cũng không được vi phạm luật bóng đá, bảo đảm nguyên tắc chỉ có trọng tài trên sân là người quyết định và chịu trách nhiệm mọi vấn đề trên sân.
Phần lớn các giải vô địch quốc gia đang sử dụng công nghệ VAR đều chọn “phương pháp trực tiếp”. Nghĩa là VAR “nhắc bài” cho các ông vua sân cỏ trực tiếp thông qua một màn hình đặt ngay trên sân, và trọng tài sẽ xem để quyết định có thay đổi quyết định của chính mình trước đó hay không.
Nhưng xem truyền hình trực tiếp các trận đấu Premier League người ta thấy trong tài Anh lại thường sử dụng “phương pháp gián tiếp” thông qua bộ đàm họ sẽ nghe khuyến cáo từ các đồng nghiệp ngồi ở phòng VAR. Sau đó, các ông vua sân cỏ sẽ tự mình ra quyết định mà không tận mắt xem lại các tình huống đó. Phương án này được coi là ít làm gián đoạn thời gian bóng chết của các trận đấu hơn.
Nhiều giải đấu các trọng tài sẽ trực tiếp xem lại các tình huống. Ảnh FIFA.
Vấn đề chính vẫn là con người
Điều đó khiến cho việc áp dụng VAR tại sân cỏ Anh luôn gây tranh cãi. Bản chất là các CLB tranh cãi áp dụng luật, chứ không phải tranh cãi về VAR. Mâu thuẫn ở chỗ các trọng tài VAR thường không giỏi chuyên môn bằng các trọng tài chính trên sân, nên các nhận định “lỗi cố ý”, “lực tác động đủ ngã đối phương”, chi tiết “bất khả kháng” nữa, ví dụ như đối phương sút bóng trúng tay (và không thể chủ động tránh được), hoặc bóng bất ngờ văng vào tay từ cầu thủ đứng quá gần... thì mỗi góc nhìn khác nhau sẽ cho quyết định khác nhau.
Xem ra có khi phải vài ba mùa bóng nữa VAR mới có mặt ở sân cỏ Việt Nam và liệu nó có giảm bớt được những tranh cãi liên miên hay không thì lại phải chờ những đợt tập huấn của FIFA chất lượng như thế nào.
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/vleague-muon-co-var-cung-khong-de-383052.html