Vắc-xin của Pfizer: Vẫn hiệu quả trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Vắc-xin phòng Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển để chống lại virus SARS-CoV-2 vẫn giữ vững hiệu quả sau 6 tháng kể từ liều thứ hai, theo phân tích từ đơn vị sản xuất vào đầu tháng 4.
Phân tích dựa trên một thử nghiệm đang diễn ra với hơn 44.000 tình nguyện viên, bao gồm 800 người tham gia ở Nam Phi, nơi một biến thể virus mới có khả năng trốn tránh kháng thể, được gọi là B.1.351, đang chịu trách nhiệm cho phần lớn các ca nhiễm mới ở quốc gia này.
Tuy nhiên, vắc-xin vẫn có khả năng bảo vệ cao khỏi biến thể này, theo một tuyên bố từ Pfizer.
Hỗ trợ cho dữ liệu thử nghiệm này, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về máu của những người được tiêm chủng cũng cho thấy rằng mũi tiêm gây ra phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ đối với B.1.351, theo một báo cáo được công bố ngày 8/3 trên Tạp chí Y học New England.
“Hiệu quả cao của vắc-xin được chứng minh qua quan sát kéo dài trong tối đa sáu tháng sau khi tiêm liều thứ hai và trong thử nghiệm chống lại các biến thể phổ biến ở Nam Phi khẳng định niềm tin của chúng tôi vào loại vắc-xin này”, Albert Bourla - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Pfizer cho biết trong tuyên bố.
Hiện tại, vắc-xin đã được đánh giá ở hơn 44.000 người tham gia từ 16 tuổi trở lên, và hơn 12.000 người tham gia tiêm chủng hiện đã được theo dõi sức khỏe ít nhất sáu tháng sau liều thứ hai. Công ty có kế hoạch gửi những dữ liệu này để xuất bản trên một tạp chí khoa học trong tương lai gần.
Dựa trên tuyên bố của công ty, vắc-xin có độ hiệu quả là 91,3% trong khả năng chống lại Covid-19 có triệu chứng nói chung và có độ hiệu quả là 95,3% trong việc chống lại “các ca nhiễm Covid-19 nghiêm trọng theo định nghĩa của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)”.
Định nghĩa của FDA về Covid-19 nghiêm trọng bao gồm một loạt các triệu chứng như nhịp tim cao, nhịp thở tăng cho thấy bị suy hô hấp, độ bão hòa oxy trong máu từ 93% trở xuống, rối loạn chức năng gan, hoặc nhu cầu bổ sung oxy hay nhu cầu đi vào khu chăm sóc đặc biệt, theo CNN.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) có một định nghĩa hơi khác về ca nhiễm Covid-19 nghiêm trọng, cụ thể là yêu cầu mức oxy trong máu từ 94% trở xuống và có bằng chứng về bệnh viêm phổi pneumonia, như được phát hiện qua X-quang. Theo tiêu chuẩn của CDC, “vắc-xin có hiệu quả 100% đối với ca bệnh nặng”, Pfizer cho biết.
Tổng cộng, công ty đã ghi nhận 927 trường hợp có triệu chứng được xác nhận là của Covid-19 trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối. 850 trường hợp trong số đó xảy ra ở những người được tiêm giả dược thay vì tiêm vắc-xin.
Trong số 77 trường hợp xảy ra ở những người được tiêm chủng, không có trường hợp nào nghiêm trọng theo tiêu chuẩn CDC, và chỉ một trường hợp nghiêm trọng theo tiêu chuẩn của FDA, Pfzier báo cáo.
9 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được báo cáo trong số 800 tình nguyện viên ở Nam Phi, tất cả đều xảy ra ở nhóm dùng giả dược, “cho thấy hiệu quả của vắc-xin là 100%”, theo tuyên bố. Do phân tích này bao gồm một nhóm nhỏ những người tham gia so với thử nghiệm tổng thể, ước tính về hiệu quả của vắc-xin này ít chắc chắn hơn so với ước tính chung là 91,3%.
“Trong một phân tích thăm dò, có chín chủng đã được xác định trình tự và sáu trong số chín chủng được xác nhận là thuộc dòng B.1.351 trong những trường hợp kháng bệnh nhờ vắc-xin”, công ty lưu ý thêm bằng chứng rằng loại vắc-xin này bảo vệ người dùng khỏi biến thể.
Ngoài các dữ liệu về hiệu quả đầy hứa hẹn này, “không có mối quan tâm nghiêm trọng về an toàn nào được quan sát thấy ở những người tham gia thử nghiệm lên đến 6 tháng sau liều thứ hai. Các tác dụng phụ thường phù hợp với các kết quả được báo cáo trước đây” - theo tuyên bố.