Vaccine Covid-19: Khó đến tay các nước nghèo

QĐND - Trong khi những công dân thuộc các quốc gia nghèo được đánh giá là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do tác động của dịch Covid-19 thì chính họ cũng lại là những người bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tiếp cận vaccine phòng ngừa căn bệnh này.

Ngày 9-12, Liên minh vaccine cho mọi người-khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức trong đó bao gồm cả Oxfam, ủng hộ việc tiếp cận vaccine công bằng với chi phí thấp-đã đưa ra cảnh báo cho thấy, có tới 90% người dân ở hàng chục quốc gia nghèo có thể không được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021, nguyên nhân là các nước giàu đang dự trữ một lượng vaccine lớn hơn nhiều so với nhu cầu.

Theo liên minh này, tính đến hết tháng 11-2020, các nước giàu, chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, nhưng đã mua tới 53% tổng số vaccine tiềm năng nhất. Số lượng vaccine các quốc gia giàu đã mua gấp tới 3 lần con số họ cần để chủng ngừa cho toàn dân. Trong khi đó, tại 67 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 1/10 dân số có khả năng tiếp cận với vaccine trong năm nay.

Những nước nghèo có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tiếp cận vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Những nước nghèo có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tiếp cận vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Trong số 3 loại vaccine tiềm năng nhất hiện nay, các nước giàu đã mua phần lớn vaccine do Moderna và Pfizer/BioNTech phát triển. Riêng hãng AstraZeneca cùng với Đại học Oxford đã cam kết cung cấp 64% lượng vaccine sản xuất được cho các nước đang phát triển, tuy nhiên con số này chỉ đáp ứng được cho khoảng 18% dân số thế giới trong năm tới.

Liên minh vaccine cho rằng các công ty dược phẩm đang nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 nên cởi mở hơn trong việc chia sẻ tài sản trí tuệ và công nghệ của mình thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có thể sản xuất nhiều hơn các loại vaccine chống SARS-CoV-2, chủng virus đang đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

CNN dẫn lời bà Anna Marriott, Giám đốc Chính sách y tế tại Oxfam cho hay: “Quyền được tiêm vaccine của mỗi người không nên phụ thuộc vào số tiền người đó có hoặc quốc gia người đó đang sống. Nếu điều này không thay đổi, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không được tiêm vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả trong nhiều năm tới”.

Thực tế, để giải quyết lo ngại đối với việc phân phối công bằng vaccine Covid-19, đã có nhiều chương trình, sáng kiến mới ra đời nhằm giúp các nước nghèo có khả năng tiếp cận vaccine, nổi bật là sáng kiến chia sẻ vaccine Covax do WHO, Liên minh sẵn sàng đối phó đại dịch (Cepi) và Liên minh vaccine toàn cầu (Gavi) đồng bảo trợ.

Covax đề ra mục tiêu cho ra lò 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, chủ yếu cung cấp cho khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 tại hơn 100 quốc gia có tham gia vào sáng kiến này. Trong số này, các nước giàu có đóng góp tài chính tự chủ và có thể san sẻ gánh nặng cho các nước nghèo, những nước đóng góp tự nguyện theo khả năng.

Vấn đề đặt ra là liệu Gavi, một chương trình phân phối vaccine ở nước nghèo, có phải là một tổ chức phù hợp để lãnh đạo một chương trình có quy mô toàn cầu mà sẽ liên quan đến các vòng đàm phán với các nước thu nhập trung bình, thu nhập cao. Một khó khăn khác nằm ở việc các nước nghèo có đủ tiền để mua vaccine hay không. Ngay cả tham gia vào Covax, các thành viên cũng phải có nguồn tài chính để có cam kết hợp đồng với các nhà cung ứng. Cuối cùng, Covax là sáng kiến lớn, nhưng lại không có sự tham gia của một số quốc gia đang đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Chính điều này đã khiến không ít người băn khoăn về tính hiệu quả của sáng kiến này.

HÙNG HÀ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=153907