Vaccine ngừa COVID-19: Cánh cửa hy vọng đã hé mở
Đã đến tháng thứ tám của đại dịch Covid-19 và tất cả đều nhận thấy một điều là nếu không có vaccine, thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại 'những tháng ngày tươi đẹp' trước đó. Nếu không có vaccine, nhiều quốc gia có nguy cơ sụp đổ không hy vọng phục hồi.
Nhiều quốc gia trước đó cho rằng họ đã đánh bại đại dịch thì gần đây đã lại nhìn thấy con quái vật đang ngóc chiếc đầu xấu xí ngay sau lưng mình.
Còn như chưa đủ tàn phá, mùa cúm hàng năm lại chuẩn bị bắt đầu vào tháng 8 khiến những nỗ lực kiểm soát Covid-19 của chính phủ Mỹ càng thêm phức tạp. Những người bị nhiễm virus cúm có một số triệu chứng tương tự như khi nhiễm Covid-19 khiến các nhà dịch tễ học phải mất nhiều công sức hơn để xác định ai mắc bệnh gì.
Rất nhiều người trong số đó có thể nhiễm cả hai loại virus cùng một lúc.
Trong cơn đau của cả thế giới; giữa những chướng khí mang lại của thông tin sai lệch, tin giả và sự kích động cuồng loạn; cùng với rắp tâm chính trị hóa đại dịch, thì may mắn thay, vẫn còn tin tốt lành về việc phát triển một loại vaccine hiệu quả trong tương lai gần.
Vừa mới đây, trong phiên điều trần công khai trước Quốc hội, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và là người phụ trách ứng phó đại dịch của chính phủ Mỹ đã khẳng định rằng một số công ty dược phẩm đã sản xuất được vaccine tiền lâm sàng có khả năng kích hoạt các “phản ứng miễn dịch mạnh mẽ” trong cơ thể, có nghĩa là vaccine cho thấy có hiệu quả.
Thực tế cho thấy việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine phải mất nhiều năm để thực hiện. Nhưng thế giới không thể chờ đợi lâu đến vậy với trường hợp của đại dịch Covid-19.
Bất chấp làn sóng chỉ trích dành cho Tổng thống Donald Trump từ các đối thủ chính trị, các phương tiện truyền thông chính thống và truyền thông xã hội, vào lúc này, có vẻ như nước Mỹ đang rút ngắn được thời gian cần thiết để đưa ra loại vaccine mà cả thế giới đang trông đợi.
Theo Tiến sĩ Fauci, một số loại vắc xin tiền lâm sàng trong chương trình đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 của Mỹ đã cho thấy có hiệu quả.
Chưa từng có quốc gia nào thực hiện một dự án như vậy – dự án với tên gọi “Operation Warp Speed (OWS)” - chương trình đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19, gọi tắt là Chương trình OWS, bắt đầu từ ngày 15 tháng 5.
Các nhà sử học có thể gọi Chương trình OWS là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử y tế thế giới.
Đây là những gì đang diễn ra…
Rút ngắn tiến độ thời gian
Phát triển: Từ trước tới giờ, các quốc gia đều có quy định yêu cầu các công ty sản xuất vaccine phải tuân thủ quy trình thử nghiệm lâm sàng với ba giai đoạn bắt buộc.
Các hãng dược sẽ nhận hàng tỷ đô la từ Chính phủ Mỹ để đẩy mạnh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19. Ảnh: Shutterstock.
Giai đoạn 1 thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh với cỡ mẫu nhỏ với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn của vaccine. Giai đoạn 2 áp dụng trên người trưởng thành khỏe mạnh với cỡ mẫu lớn hơn nhằm mục đích đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin.
Giai đoạn 3 tiến hành trên cỡ mẫu lớn hơn nữa nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine trên một nhóm cộng đồng lớn hơn, gần với đối tượng đích, có bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi.
Kết quả thử nghiệm của giai đoạn trước phải đảm bảo tính an toàn trong giới hạn cho phép mới được tiến hành sang giai đoạn tiếp theo.
Trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, vaccine phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, gồm đánh giá trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật thực nghiệm, đồng thời phải có xác nhận an toàn của cơ quan kiểm định thuốc quốc gia.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, để có một chế phẩm vaccine mới đưa vào triển khai, các công ty phải trải qua các bước nghiên cứu, sản xuất phòng thí nghiệm, sản xuất công nghiệp, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng nghiêm ngặt, thông thường phải mất 5-10 năm để chế phẩm được đưa vào cuộc sống.
Chương trình đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 đưa ra một lộ trình để các bước này có thể được thực hiện đồng thời, giúp rút ngắn tiến độ thời gian xuống chỉ tính bằng tháng. Quy trình này không bỏ qua bất kỳ bước nào bởi mối quan tâm hàng đầu vẫn là tính an toàn của vaccine.
Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất vaccine đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, vì vậy hiện nay có rất nhiều phương pháp sản xuất vaccine so với trước đây. Điều này giúp vaccine phòng Covid-19 có cơ hội được phát triển nhanh hơn.
Nghiên cứu điển hình: vào ngày 21 tháng 3 năm nay, Hoa Kỳ đã cấp cho AstraZeneca (một công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển) và Đại học Oxford khoản vốn 1,2 tỷ đô la để sản xuất 300.000 liều vaccine vào đầu tháng 10. Hai bên hiện đang bắt đầu đợt thử nghiệm cuối cùng trên 30.000 tình nguyện viên người Mỹ.
Đã có khoảng 100 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong dự án liên kết giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ (Chương trình OWS).
Con số này đã được rút xuống còn 14 loại có triển vọng, và tiếp đó sẽ chọn lọc ra 7 loại để đưa vào vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo với mục tiêu rút ngắn thời gian sản xuất vaccine xuống còn tối đa 8 tháng.
Virus Covid-19, nguồn cơn của cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại.
Sản xuất: Việc đưa ra hàng trăm triệu liều vaccine vốn cần rất nhiều thời gian giờ cần phải được thực hiện trong một giai đoạn ngắn. Việc này còn bao gồm sản xuất lọ đựng, hộp bảo quản chuyên dụng, kim tiêm… Chương trình OWS đã có giải pháp cụ thể.
Các nhà khoa học chưa chắc chắn loại vaccine nào đang được phát triển sẽ được chứng minh có hiệu quả. Vì vậy, trong chương trình OWS, chính phủ Mỹ đang chi 10 tỷ đô la cho các công ty dược phẩm để họ sản xuất vaccine song song với giai đoạn thử nghiệm lâm sang vốn cần thời gian dài để hoàn thành.
Hàng tỷ đô la nữa được phân bổ cho các cơ quan chính phủ. Bằng cách này, ngay khi các loại vaccine được chứng minh có hiệu quả thì sản phẩm đã “sẵn sàng để đưa vào sử dụng”.
Chương trình OWS xác định sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính lớn để đổi lấy việc giảm rủi ro không sản xuất được loại vaccine hiệu quả. Bằng cách đó, chương trình này đã thu hút được gần như tất cả các công ty dược phẩm lớn tham gia sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Chương trình OWS chấp nhận gánh rủi ro, trong khi các công ty dược phẩm được chi trả để sản xuất kể cả nếu vaccine của họ không hiệu quả.
Một điểm mạnh nữa của phương pháp này là Chương trình OWS có thể sản xuất một số loại vaccine hiệu quả đặc trị riêng các nhóm có điều kiện sức khỏe đặc biệt, các nhóm lứa tuổi cụ thể, v..v…
Chương trình này cũng nhận thấy rằng việc phát triển và sản xuất vaccine trước đó không hiệu quả vì phải phụ thuộc vào các các công ty dược phẩm tư nhân, đơn lẻ - những đơn vị này có thể thiếu nguồn lực và không muốn có một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Chương trình OWS là một mô hình chiến dịch liên kết do chính phủ lãnh đạo, điều phối nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, chương trình này cũng huy động khả năng to lớn của hàng loạt cơ quan chính phủ đang sở hữu các nguồn lực quan trọng đặc thù.
Chương trình này chính là một sự thức tỉnh rằng không một công ty dược phẩm đơn lẻ nào đủ khả năng đáp ứng được các nhu cầu toàn cầu.
Về bản chất, Chương trình OWS đã thiết lập quan hệ đối tác công – tư, trong đó chính phủ giữ vai trò chủ đạo. Để tăng khả năng sản xuất vaccine thành công, Tiến sĩ Moncef Slaoui đã được chỉ định làm Giám đốc chương trình.
Ông được coi là chuyên gia hàng đầu trên thế giới về vaccine trong khu vực tư nhân. Công việc này mang lại cho ông hàng triệu đô la nhưng ông đã đảm nhận vị trí quản lý chương trình OWS với khoản thù lao chỉ 1 đô la.
Ngoài ra, Tổng thống Trump đã ủy quyền cho công ty Eastman Kodak thành lập một nhà máy sản xuất các loại thuốc gốc (generic drugs) với chi phí thấp hơn so với các loại thuốc phát minh (brand-name drugs). Việc này sẽ giúp thuốc điều trị có mặt rộng rãi hơn để phục vụ nhu cầu của người bệnh. Quyết định này được đưa ra bằng thẩm quyền quy định trong Đạo luật khẩn cấp quốc gia.
Tiến sĩ Moncef Slaoui, nhân vật chủ chốt trong chiến dịch đẩy mạnh sản xuất vaccine Covid-19 của ông Donald Trump tại cuộc họp báo công bố kế hoạch OWS tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Phân phối: 500.000 triệu liều vaccine sẽ được phân phối cho người dân Mỹ và con số không tiết lộ lên đến hàng tỷ liều sẽ được phân phối toàn cầu có lẽ là thách thức hậu cần lớn nhất từ trước đến giờ.
Để thực hiện việc này, chương trình OWS đã huy động quân đội Hoa Kỳ chấp nhận thách thức. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC, vốn chịu trách nhiệm phân phối vaccine, sẽ hợp tác với quân đội.
Duy nhất chỉ có quân đội có khả năng bao trùm quy mô toàn cầu. Hãy cùng ngẫm lại: trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, quân đội đã phải di chuyển hàng ngàn binh lính, thiết bị và đồ tiếp tế từ Mỹ đến Kuwait chỉ trong vài ngày, đánh bại chính quyền TT Saddam Hussein cũng chỉ trong vài ngày, sau đó lại di chuyển toàn bộ về Mỹ.
Quân đội Mỹ đã chứng minh khả năng này trong việc quản lý đại dịch – xác định các nguồn thuốc men, thiết bị và vật tư từ khắp nơi trên thế giới, sau đó chuyển toàn bộ về Mỹ và phân phối khi cần thiết.
Cũng chính quân đội đã xây dựng các bệnh viện dã chiến với công suất hàng ngàn giường bệnh chỉ trong vài ngày.
Nỗ lực của Nga và Trung Quốc
Nga và Trung Quốc, cùng nhiều nước khác đều đang cạnh tranh để đưa ra loại vaccine hiệu quả. Chính phủ Mỹ hoài nghi về dự kiến sẽ có vaccine vào ngày 22/8 của Nga. Mỹ lo ngại rằng Nga không thực hiện đầy đủ các bước cần thiết của quy trình phát triển vaccine.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm. Có lẽ, Bắc Kinh sẽ thành công với nỗ lực này. Hy vọng Nga và Trung Quốc sẽ chia sẻ kết quả đạt được với thế giới.
Cuộc cạnh tranh toàn cầu lúc này là nước nào sẽ là nước đầu tiên phát triển được vaccine phòng ngừa Covid-19 hiệu quả. Chính phủ Mỹ và các cơ quan tình báo khác tin rằng Trung Quốc và Nga đang xâm nhập hệ thống máy tính của các tổ chức nghiên cứu y tế và dược phẩm nhằm đánh cắp các thông tin độc quyền về vaccine đang được phát triển.
Vừa mới đây, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại Houston, Texas vì nghi ngờ nước này đã đánh cắp bí mật nghiên cứu vaccine từ những phòng thí nghiệm lớn của Mỹ tại Đại học Texas A&M và Đại học Texas.
Để trả đũa, chính quyền Bắc Kinh cũng buộc Mỹ phải đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô, Trung Quốc. Điều thú vị là Mỹ vẫn chưa mở lại lãnh sự quán tại Vũ Hán, nơi khởi nguồn của đại dịch Covid-19.
Viễn cảnh
Nếu những tuyên bố của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà dịch tễ học và các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới cùng với các chính phủ có thể tin cậy được thì rất có khả năng vaccine ngừa Covid-19 sẽ có mặt trên thị trường cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Có vẻ như các quốc gia đều tỏ thiện chí chia sẻ vaccine cho người dân toàn cầu.
Chúng ta có quyền hy vọng rằng ngày đại dịch đi qua sẽ không còn xa vời./.
(Chuyển ngữ: Đào Thúy)
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/vaccine-ngua-covid19-canh-cua-hy-vong-da-he-mo-489489.html