VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024: Khẳng định thương hiệu điểm đến cho Điện Biên và khu vực Tây Bắc

Sáng 18/10 tới đây, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD sẽ tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI…

 TS Nguyễn Anh Tuấn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu tại Chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" do VACOD-HBA tổ chức

TS Nguyễn Anh Tuấn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu tại Chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" do VACOD-HBA tổ chức

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện do VACOD phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức từ ngày 17-19/10/2024 tại tỉnh Điện Biên.

ĐIỆN BIÊN GHI DẤU ẤN TRÊN BẢN ĐỒ DU LỊCH

Điện Biên, vùng đất địa đầu phía Tây Bắc của Tổ quốc, không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng mà còn là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi trùng điệp, những thung lũng xanh mát và những dòng sông hiền hòa. Sản phẩm du lịch khác biệt nhất của Điện Biên chính là trải nghiệm dòng lịch sử. Chiến trường Điện Biên Phủ hào hùng đã để lại cho Điện Biên một quần thể di tích với 45 di tích thành phần, nổi bật như Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát… Điện Biên có 33 di tích được xếp hạng, trong đó, 01 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh.

Những di tích này hàng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đây là lợi thế khác biệt, là cốt lõi để Điện Biên phát huy giá trị lịch sử, thu hút khách du lịch Đến với Điện Biên, du khách còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, thưởng thức những món ăn đặc sản và chiêm ngưỡng những điệu xòe Thái, những làn điệu then ngọt ngào.

 Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển ngành du lịch

Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển ngành du lịch

Ngành du lịch Điện Biên những năm qua tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có khởi sắc. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, tính từ ngày 1/1/2024 - 7/5/2024, tỉnh Điện Biên đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khoảng 4,8 nghìn lượt khách du lịch Quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 1.900 tỷ đồng. Dịp cao điểm từ ngày 30/4 đến 07/5, tỉnh Điện Biên đón trên 371.000 lượt khách du lịch. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 390 tỷ đồng.

Năm 2024 là một năm rất đặc biệt với lãnh đạo và nhân dân tỉnh Điện Biên. Với việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia và là năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu ước khoảng 2.200 tỷ đồng. Với việc đã đón hơn 1 triệu lượt khách, Điện Biên sẽ có cơ hội lớn để vượt mục tiêu 1,3 triệu lượt khách với nhiều sự kiện của năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.

Trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã xác định mục tiêu, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Trong nội dung Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch.

Đến năm 2050, Điện Biên là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa, sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế. Các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là văn hóa dân tộc H'Mông, dân tộc Thái được giữ gìn, bảo tồn và phát triển.

PHÁ BĂNG TIỀM NĂNG DU LỊCH TỈNH

Tuy có nhiều lợi thế phát triển du lịch hơn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng Điện Biên vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Một phần do vị trí địa lý còn xa khu vực trung tâm cả nước nên tỉnh Điện Biên đang gặp một số thách thức ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh như: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt là đường đến các điểm du lịch xa xôi. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh du lịch chưa hiệu quả và nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên môn cũng là những trở ngại lớn.

Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, Điện Biên cần có những giải pháp đồng bộ, từ đầu tư hạ tầng đến nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời chú trọng đến bảo tồn môi trường và phát huy giá trị văn hóa.

Trong nội dung bản tham luận sẽ trình bày tại Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy kết nối, mở rộng liên kết, tạo đột phá phát triển du lịch Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc hiệu quả và bền vững:

Thứ nhất, Điện Biên cần có quan điểm để phát triển bền vững bằng cách xác định hướng phát triển du lịch tối ưu cho địa phương, phù hợp với tiềm năng và lợi thế du lịch, có cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để du lịch phát triển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương đi trước và xuất phát từ đặc thù của địa phương để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng hoặc mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Điện Biên các tỉnh Tây Bắc.

Thứ hai, tỉnh nên chú trọng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch ở địa phương: Từ việc triển khai thực hiện đúng quy hoạch trong quá trình đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau đến thực hiện quy hoạch chung những khu vực giáp danh theo hướng đảm bảo giữ được tài nguyên, cảnh quan, môi trường

Điện Biên cần tập trung triển khai thực hiện quy hoạch về du lịch, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch đã và sẽ được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Quy hoạch hệ thống du lịch và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và những khu du lịch, điểm du lịch tiềm năng.

Thứ ba, tăng cường kết nối, đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch bền vững. Bên cạnh khai thác tiềm năng kinh tế tại địa phương, Điện Biên cần thúc đẩy liên kết, hợp tác khai thác tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc, kết nối với các tỉnh Đông Bắc và kết nối với nước bạn Lào qua cửa khẩu Tây Trang.

Nên có cơ chế chọn lựa đúng nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để đầu tư vào các dự án du lịch, bên cạnh đó, khuyến khích người dân tại các bản làng hấp dẫn được lựa chọn đầu tư nâng cấp nhà ở của họ để cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay) cho khách du lịch

Thứ tư, tăng cường liên kết phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, khác biệt dựa trên lợi thế tài nguyên du lịch của Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc.

Thứ năm, Điện Biên cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, kinh doanh và xúc tiến quảng bá du lịch. Việc ứng dụng công nghệ vào từng khâu phát triển du lịch sẽ giúp tỉnh nắm bắt xu thế thời đại, tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.

Thứ sáu, nguồn nhân lực đang là điểm yếu của tỉnh Điện Biên do phần lớn dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, trong tương lai, Điện Biên nói riêng và các tỉnh vùng núi Tây Bắc nói chung cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vào từng hoạt động, bổ sung cán bộ chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về du lịch của các huyện, thị, thành phố và đặc biệt là các xã, thôn, bản ở địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.

Cuối cùng việc phát triển du lịch vẫn cần đảm bảo yếu tố gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo tồn di sản, bảo vệ tài nguyên môi trường theo đúng nguyên tắc phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo nhận định của TS Nguyễn Anh Tuấn, Điện Biên cần xây dựng Chiến lược và Kế hoạch quản lý rủi ro khủng hoảng trong lĩnh vực du lịch đồng thời xây dựng các phương án ứng phó, cứu hộ phù hợp. Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc cần chủ động học hỏi, rút ra các bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển du lịch của các địa phương khác và kinh nghiệm quốc tế để tìm hướng phát triển du lịch tối ưu cho địa phương, phù hợp với xu hướng du lịch mới và nguyên tắc phát triển bền vững

Khả Ngân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vacod-dien-bien-2024-khang-dinh-thuong-hieu-diem-den-cho-dien-bien-va-khu-vuc-tay-bac-post555348.html