Vài điều cần chú ý khi viết về ngày lịch sử 10-10-1954

Những ngày gần đây, trên các tờ báo, có hai cách dùng từ khác nhau khi nói về ngày lịch sử 10-10-1954. Một số tờ dùng là 'Ngày Giải phóng Thủ đô', một số tờ lại dùng là 'Ngày Tiếp quản Thủ đô', dẫn đến tranh luận viết thế nào là đúng.

Theo “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học (xuất bản năm 2001), trang 387, thì “Giải phóng” nghĩa là: (1) Làm cho được tự do, cho thoát khỏi tình trạng bị nước ngoài nô dịch, chiếm đóng (như: Giải phóng đất nước; hong trào giải phóng dân tộc; (2) Làm cho được tự do, cho thoát khỏi địa vị nô lệ hoặc tình trạng bị áp bức, kiềm chế, ràng buộc (như: Giải phóng nô lệ; giải phóng phụ nữ; giải phóng sức sản xuất).

Còn từ “Tiếp quản” (trang 988) nghĩa là: Thu nhận và quản lý cái của đối phương giao lại (như: Bộ đội tiếp quản thành phố, tiếp quản nhà máy). Có một từ nữa khá gần nghĩa với “tiếp quản”, là từ “tiếp nhận”, nghĩa là: Đón nhận cái từ người khác, nơi khác chuyển giao cho (như: Tiếp nhận quà tặng; tiếp nhận bệnh nhân).

Vậy là rõ! Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng, đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, giải phóng miền Bắc, nhân dân ta thực sự được hưởng độc lập, hòa bình, tự do, hạnh phúc. Tất nhiên, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, theo nội dung đã ký kết, chính quyền thực dân Pháp phải thực hiện các điều khoản về ngừng bắn, tập kết, chuyển quân, trao trả tù binh và bàn giao cho chúng ta cơ sở vật chất mà không được phá hoại, nên có việc “tiếp quản” của ta. Có thể nói, tiếp quản Thủ đô là kết quả của sự nghiệp đấu tranh giải phóng nước nhà. Kết quả đó có được từ sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ý nghĩa của Ngày Giải phóng Thủ đô nằm ở điểm này.

 Lính Pháp rút khỏi cầu Long Biên, Hà Nội (chiều 9-10-1954). Ảnh tư liệu

Lính Pháp rút khỏi cầu Long Biên, Hà Nội (chiều 9-10-1954). Ảnh tư liệu

Cũng xin nói thêm, dịp này, báo chí đưa lại “hồi ức” của một số nhân chứng từng chứng kiến Ngày Giải phóng Thủ đô. Các cụ đều đã cao tuổi, nên việc nhớ không chính xác là điều có thể xảy ra, nếu không biên tập kỹ, sẽ có nhiều sai sót.

Ví dụ, trong hồi ký của một cựu chiến binh kể lại trên một tờ báo: “16 giờ 30 phút, ngày 9-10-1954, khi trạm lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo. Băng vải các màu căng ngang đường, với những khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về”... Từ đó cho rằng, từ 16 giờ 30 chiều ngày 9-10-1954, Hà Nội đã “sạch bóng quân thù” là chưa chính xác.

Ngay cả cuốn tài liệu tuyên truyền do một cơ quan có trách nhiệm phát hành rộng rãi đến nhân dân cũng viết: “16 giờ, ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9-10, đêm hòa bình đầu tiên, thành phố rực rỡ trong những cờ, rạo rực niềm vui khôn xiết”.

Thực tế lại không phải vậy. Tại Triển lãm Ngày tiếp quản Thủ đô qua ống kính người dân Việt Nam tổ chức cách đây ít năm, trưng bày nhiều tấm ảnh chụp sáng 10-10-1954, trên đường phố Hàng Đào, Hàng Bông, còn nhiều lính Pháp đeo súng đứng cùng xe quân sự, với lời chú thích “những người lính Pháp cuối cùng chốt tại... trước khi rút khỏi Hà Nội”.

Trên Báo Lao Động ngày 8-10-2004 và một vài tờ báo khác, đều có bài viết ghi lời của nhiều nhân chứng kể lại, đêm 9-10, Hà Nội còn thuộc phía thực dân Pháp quản lý, phố phường im lìm, mọi nhà cài chặt then cửa, mọi người hồi hộp lo âu. Theo lời các ông Đỗ Bắc, Hoài Việt, cụ Đỗ Văn An kể lại, sáng ngày 10-10-1954, họ đã nhìn tận mắt, có người còn tò mò chạy theo một đoạn những người lính Pháp đi trên đường phố Hà Nội về phía cầu Long Biên.

Nhà báo quốc tế Bớc-sét, trong bài phóng sự viết về ngày 10-10-1954 ở Hà Nội, có đoạn như sau: “Việc chuyển giao đã được thực hiện, từng khu một, cho tới khi thành phố hoàn toàn giải phóng. Đôi khi, phía bên này của một đường phố đã được giải phóng, phía bên kia còn bị chiếm đóng thêm vài giờ… Những cảnh sát quân sự Pháp to béo, lưỡi lê trên họng súng sẵn sàng tóm ngay những ai tìm cách ra đường, hoặc treo cờ chỉ vài phút sớm hơn lúc chuyển giao. Sự hung hăng này tượng trưng cho sự nuối tiếc 80 năm thuộc địa của Pháp, khi họ phải rứt ruột ra đi”.

Như vậy, rõ ràng là những đơn vị quân sự, lực lượng binh lính chiến đấu của thực dân Pháp đã rút hết qua cầu Long Biên, sang Gia Lâm từ chiều ngày 9-10-1954, nhưng vẫn còn lực lượng quân cảnh của Pháp ở lại làm nhiệm vụ, cùng với bên ta thực hiện việc tiếp quản Hà Nội theo đúng quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đây mới là những người lính cuối cùng của thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội. Kể từ giây phút đó, Thủ đô ta mới sạch bóng quân thù - 9 giờ sáng, ngày 10-10-1954.

Tiến sĩ NGUYỄN QUANG HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/vai-dieu-can-chu-y-khi-viet-ve-ngay-lich-su-10-10-1954-798006