Vải thiều Hải Dương hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi

Tỉnh Hải Dương vừa tổ chức xuất khẩu lô vải đầu tiên trong năm 2020, đạt chuẩn quốc tế sang thị trường các nước Singapore, Hoa Kỳ, Australia... Với việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để xuất khẩu sang các nước, vụ sản xuất vải quả ở Hải Dương năm nay hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.

Vươn ra thế giới

Năm 2020, tổng diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương đạt 9.750ha. Do năm nay thời tiết thuận lợi, tổng sản lượng quả dự kiến sẽ đạt 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với cùng kỳ 2019. Trong đó, huyện Thanh Hà 3.600 ha, thành phố Chí Linh 3.900 ha, các địa phương còn lại 2.250 ha.

Dự kiến thời vụ thu hoạch từ giữa tháng 5 đến tháng 6/2020. Người dân hiện đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo năng suất và chất lượng mẫu mã, chất lượng an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ước tính, vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch trong tháng 6/2020 với sản lượng cao gấp 3-4 lần so với vụ vải năm trước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hiện mỗi ngày các doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài tỉnh đang thu mua trên 500 tấn vải/ngày. Giá bán đầu vụ khoảng 50 nghìn đồng/kg và hiện nay, dù đang giữa vụ vải sớm, giá bán vẫn đạt 32 - 38.000 đồng/kg, cao hơn năm 2019 và trung bình nhiều năm trước từ khoảng 5.000 - 10.000đ/kg.

Cắt băng đưa lô hàng vải thiều đầu tiên đi Hoa Kỳ năm 2020

Cắt băng đưa lô hàng vải thiều đầu tiên đi Hoa Kỳ năm 2020

Niên vụ 2020, bên cạnh tiêu thụ nội địa, Hải Dương đã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường để xuất khẩu. Với sự chủ động xúc tiến thương mại, tới nay, nhiều doanh nghiệp đã cam kết cùng tỉnh Hải Dương và người dân liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điển hình, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu sản lượng khoảng 1.250 tấn vải tại các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế đang được tỉnh triển khai, quản lý để xuất khẩu đi Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Canada và bán tại các siêu thị trong nước.

Hay, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ đăng ký thu mua 150 tấn vải để xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Australia, EU và Trung Đông; Công ty Cổ phần Quốc tế Bamboo đăng ký bao tiêu 1.900 tấn vải để xuất khẩu đi Nhật Bản, Australia, Malaysia, Brunei, Trung Quốc…; Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà đăng ký thu mua 620 tấn vải (vải tươi, vải cấp đông và long vải) để xuất khẩu đi Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc…

Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm vải thiều Hải Dương đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, các nước châu Âu và đã xuất khẩu thành công sang các thị trường này, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm... Việc có mặt tại các thị trường nước ngoài là tín hiệu vui cho đầu ra sản phẩm của người trồng vải Hải Dương.

Kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ vải

Để việc xuất khẩu vải thuận lợi, nhất là vươn tới các thị trường khó tính, tỉnh Hải Dương đã có sự chuẩn bị và tiếp cận từ nhiều năm qua. Tỉnh đã cùng doanh nghiệp và trên 1.500 hộ dân thực hiện trồng, chăm sóc vải quả theo quy trình Viet Gap, GlobalGAP và khống chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong quả chín. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, đánh giá các vùng trồng vải và cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc; thực hiện tốt công nghệ bảo quản sau thu hoạch để có thể vận chuyển vải quả nhanh bằng đường không hoặc dài ngày bằng đường biển.

Các đại biểu thăm vùng vải thiều xuất khẩu xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà

Các đại biểu thăm vùng vải thiều xuất khẩu xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương khẳng định, từ đầu vụ đến nay, toàn địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm đưa quả vải vào được các thị trường cao cấp. Tỉnh đã mời doanh nghiệp xuống làm việc trực tiếp với các vùng trồng. Đồng thời, tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và giám sát vùng nguyên liệu.

Góp phần quan trọng tạo nên thành công lớn trong tiêu thụ vải quả Hải Dương còn là công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và tiêu thụ vải quả. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, ngay từ rất sớm, ngành Công Thương Hải Dương đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Thanh Hà trên các trang mạng trong và ngoài nước và thông qua các tờ rơi, tờ gấp; chủ động thực hiện các hoạt động kết nối nhằm tìm đầu ra cho nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có vải quả.

Sở Công Thương tỉnh cũng đã kịp thời cung cấp thông tin về sản lượng, thời vụ, danh sách các đầu mối thu mua, cung cấp vải quả của Hải Dương và chủ động từ rất sớm đề nghị Bộ Công Thương, các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương có kế hoạch hỗ trợ tỉnh tiêu thụ quả vải và nông sản của tỉnh.

Tại lễ cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Hoa Kỳ, Australia năm 2020 tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao chất lượng, mẫu mã quả vải của Thanh Hà, công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vải Hải Dương có thể xuất khẩu sang thị trường các nước.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn để quả vải đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu; cần quản lý và giám sát các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu; phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ vải cho nông dân.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vai-thieu-ha-i-duong-hua-hen-mot-vu-mua-thang-loi-138034.html