Vai trò của công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay

* NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Công tác cán bộ có vai trò quyết định đến việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng phụ thuộc vào công tác cán bộ và sự tự giác phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ. Tuy nhiên, sự phấn đấu, rèn luyện của cán bộ phụ thuộc một cách quyết định vào công tác cán bộ. Thực tế đã chứng minh ở đâu công tác cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, ở đó cán bộ hăng hái phấn đấu, động cơ phấn đấu của cán bộ mới đúng đắn. Ngược lại, ở đâu công tác cán bộ thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thiếu dân chủ, lãnh đạo độc đoán, có tiêu cực thì các cán bộ tốt sẽ không muốn phấn đấu vươn lên, thậm chí không yên tâm công tác. Chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh từ khi tái lập đến nay có thể nhận định ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt công tác cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có chất lượng tốt thì nơi đó mọi phong trào đều tốt, chất lượng và hiệu quả các mặt công tác đều cao, không có tiêu cực và ngược lại. Đặc biệt, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, thực tế cho thấy, đôi khi chỉ cần thay người đứng đầu, tình hình mọi mặt của địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuyển biến tích cực hơn. Như vậy, có thể khẳng định công tác cán bộ gắn bó mật thiết và chi phối mạnh mẽ tất cả các mặt của công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng bao gồm nhiều lĩnh vực: Công tác tư tưởng; công tác tổ chức; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng; công tác đảng viên; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng;… trong đó, cán bộ và công tác cán bộ liên quan đến tất cả các mặt công tác khác. Xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng phải đổi mới cả công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, công tác đảng viên, phương thức lãnh đạo của Đảng…, trong đó đổi mới công tác cán bộ giữ vai trò chi phối sâu sắc; dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, công tác cán bộ - một nội dung trọng yếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Bởi lẽ, Đảng lãnh đạo bằng việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý cán bộ hoạt động trong các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo công tác cán bộ của các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt sẽ trực tiếp quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, các chủ trương, kế hoạch công tác của từng cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; góp phần giữ vững vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước trao bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị C17, hệ không tập trung, khóa học 2020-2022 - Ảnh: Thanh Mảng

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác cán bộ của đảng bộ các cấp trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn của Đảng bộ tỉnh về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được dư luận đồng tình, có tác dụng, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch. Công tác xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh và huyện, thị, thành ủy, cho tới các xã, phường, thị trấn và các chức danh chủ chốt của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện đúng quy trình, quy định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh có tác dụng tốt. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ của đảng bộ các cấp trong tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và Đề án 999 của Tỉnh ủy kết quả còn thấp. Số lượng cán bộ, công chức không chỉ không giảm mà còn tăng, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập và công chức, cán bộ chuyên trách, không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hệ thống chính trị và đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn; công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục; dấu hiệu chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được triệt để ngăn chặn, đẩy lùi; đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, cấp chiến lược chưa được tập trung xây dựng một cách bài bản, khoa học; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược; công tác quy hoạch cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương còn khép kín, chưa bảo đảm sự liên thông, gắn kết; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Đứng trước những yêu cầu cấp bách trong thời kỳ đổi mới đất nước, Tỉnh ủy đã đặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ tổng quát: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ”. Để thực hiện nhiệm vụ tổng quát nêu trên, cần thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể sau:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan hệ giữa quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; quan hệ giữa đức và tài; quan hệ giữa kế thừa và phát triển; quan hệ giữa sự quản lý thống nhất của Đảng và phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị; quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể; quan hệ giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở.

Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp...

Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy; Quy định số 202-QĐ/TW ngày 2-8-2019 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/134664/vai-tro-cua-cong-tac-can-bo-trong-giai-doan-hien-nay