Vai trò đầu tàu của TP.HCM trong hợp tác với ĐBSCL

Nhiều cơ hội đang mở ra từ việc hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL. Vai trò của TP.HCM được khẳng định hơn bao giờ hết nhưng đầu tàu kinh tế của cả nước cũng đứng trước những đòi hỏi rất lớn.

Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL diễn ra ngay sau khi Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Trước đó, Bộ Chính trị ban hành hai nghị quyết (31 và 24) liên quan đến TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ bao hàm nhiều nội dung quan trọng và vai trò hạt nhân, đầu tàu của TP.HCM được khẳng định, nhấn mạnh.

Nghị quyết 24 khẳng định tầm nhìn TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Và trong chuỗi hoạt động của hội nghị hôm qua đã có Hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM với Cần Thơ; ký kết Thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2023-2025.

Từ nhiều năm trước, vấn đề làm thế nào để vận chuyển kịp thời các ca bệnh hiểm nghèo từ ĐBSCL đến TP.HCM cấp cứu và điều trị nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Taxi hàng không nhằm tiết kiệm thời gian nhất có thể được coi là một giải pháp khả thi. Nhưng vấn đề này nay đã có lời giải khác, đó là liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương để phát triển kỹ thuật cao, giúp người bệnh không phải lên tuyến trên chữa trị.

Cùng với đó, ba dự án góp phần thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và ĐBSCL đó là đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tuyến đường bộ ven biển phía Nam, các tuyến đường thủy kết nối cũng đang được lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai trước năm 2030.

Với tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt là 190 km/giờ, thời gian lưu thông giữa TP.HCM và Cần Thơ được rút xuống khoảng một nửa với độ an toàn cao là một ví dụ cho thấy cơ hội hợp tác giao thương giữa đầu tàu kinh tế của cả nước và ĐBSCL đang rộng mở trên nhiều lĩnh vực.

Nhìn vào bản đồ và ngẫm lại lịch sử phát triển, Sài Gòn - Gia Định, nay là TP.HCM luôn giữ vai trò điểm kết nối giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ không chỉ về địa lý mà còn về kinh tế - xã hội - văn hóa. TP.HCM là nơi hội tụ, tổng hòa nhiều sắc tố trên mọi lĩnh vực của các vùng đất trên cả nước và quốc tế, trong đó Đông và Tây Nam Bộ mang dấu ấn đậm nét.

Chính vì vậy, câu chuyện hợp tác giữa TP.HCM với ĐBSCL cũng nằm trong bức tranh kết nối giữa Đông và Tây Nam Bộ cho mục tiêu phát triển bứt phá cho cả Nam Bộ cũng như cả nước. Nhìn vào đó để thấy đây là chiến lược quốc gia đòi hỏi sự tập trung tạo điều kiện từ nhiều phía, không phải của riêng địa phương hay vùng nào.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vai-tro-dau-tau-cua-tphcm-trong-hop-tac-voi-dbscl-post743495.html