Vai trò lãnh đạo của Đảng - Thước đo thành công trong phát triển kinh tế
Qua hơn 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, kết hợp giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và thời đại. Ngay từ đầu, Đảng đã sớm đứng ra nhận sứ mệnh lịch sử to lớn mà giai cấp và dân tộc giao phó: Lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống thực dân, phong kiến giành độc lập, dân tộc, dân chủ cho Nhân dân. Do đó, dù mới có 40 chi bộ và 565 đảng viên, Đảng đã tuyên truyền, vận động và lãnh đạo quần chúng tổ chức nên phong trào cách mạng rộng khắp cả nước. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn ý thức được vị thế của Đảng duy nhất cầm quyền, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước phát triển kinh tế, vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và vượt qua chính mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế tổng quát của đất nước là phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT; hướng tới mục tiêu phát triển lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Vượt qua những tư duy cố hữu, cực đoan, Đảng đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân và xác định kinh tế tư nhân có vị trí quan trọng lâu dài, là một bộ phận cấu thành và động lực quan trọng của nền kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN.
Dấu ấn sự lãnh đạo của Đảng thể hiện cụ thể qua những thành tựu kinh tế to lớn được dư luận trong và ngoài nước ghi nhận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã mở cửa, trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác, tham gia nhiều định chế thương mại tự do, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước mở rộng hội nhập vào tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội… Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp tự túc, bị bao vây, cô lập, cấm vận, Việt Nam đã tiến hành mở cửa, trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác,… Từ chỗ chỉ là thành viên tham gia các định chế quốc tế, Việt Nam đã chủ trương “chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, trở thành “đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Từ chỗ phủ nhận cơ chế KTTT trong thời kỳ trước đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất nhận thức rằng, KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại, muốn xây dựng CNXH thành công không thể không phát triển KTTT định hướng XHCN. Đây cũng chính là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng trong tiến trình lãnh đạo công cuộc đổi mới. KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT; là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế. Định hướng XHCN được thể hiện nhất quán trên các phương diện của nền kinh tế - xã hội. Trong mục tiêu phát triển, đó là: Lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người, nhằm xây dựng thành công CNXH “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong phương thức phát triển, đó là phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập. Gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Trong quản lý nền kinh tế, đó là phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, mọi người dân được tham gia và được hưởng lợi; đảm bảo vai trò quản lý nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân cũng là một quá trình đổi mới tư duy táo bạo. Vượt qua những tư duy cố hữu, thậm chí có ý kiến cực đoan muốn xóa bỏ kinh tế tư nhân, Đảng đã xác định kinh tế tư nhân có vị trí “quan trọng lâu dài”, “bộ phận cấu thành quan trọng” trong nền KTTT định hướng XHCN. Các văn kiện Đại hội của Đảng đã khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, là bước đột phá về nhận thức so với giai đoạn trước, khi Việt Nam chỉ coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế”. Những thay đổi nhận thức như vậy đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, tạo ra một sức sống mới cho nền kinh tế.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỉ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể. Trong cơ cấu kinh tế, tỉ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 14,8%; tỉ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng lên 85,2%. Đặc biệt, tỉ lệ người nghèo đã giảm mạnh, từ mức trên 60% vào những năm đầu đổi mới xuống dưới mức 7% hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Có được những kết quả ấn tượng trên là nhờ Đảng đã định hướng ngày càng rõ mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Từ chỗ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lực lượng lao động có tiền công thấp, Đảng đã chủ trương chuyển sang thực hiện phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Càng đi sâu vào quá trình đổi mới, đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam càng ý thức được rằng, cần phải chú trọng lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng ngay trong mỗi bước đi và trong từng chủ trương, chính sách, nhằm tạo ra sự thống nhất về hành động với quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị.
Trong giai đoạn lãnh đạo công cuộc đổi mới, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhất quán kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đứng trước những khó khăn, thách thức, những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Đảng ta luôn kiên định xây dựng và thực hiện các chủ trương chính sách đổi mới đúng đắn, phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc và những thắng lợi cách mạng đã đạt được, giữ vững độc lập, dân tộc vững bước đi lên CNXH với ý thức đổi mới phải phù hợp với thực tiễn luôn sáng tạo và phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Ngày nay, với công cuộc đổi mới kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh, nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên một bước, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Con đường chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.
Với những thành tựu đã đạt được trong hơn 90 năm qua, nước ta từ một đất nước thuộc địa nửa phong kiến không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước. Việt Nam có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới.
Những thành quả vĩ đại đó chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào về dân tộc Việt Nam -một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo, luôn vượt khó để tiến lên. Đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Những người cộng sản và dân tộc Việt Nam được rèn luyện theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là những con người từ trong khó khăn nhìn thấy nhân tố của phát triển, từ trong vấp váp rút ra được bài học để tiến lên, từ trong gian nguy tìm ra lối thoát và con đường giành thắng lợi…”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=155246