Vai trò nhân văn của Phòng Giám thị nhà trường
Trong các phòng chức năng của một ngôi trường, thì phòng giám thị lâu nay vẫn là 'nỗi sợ' đáng kể với nhiều học trò.
Sau vụ 2 học sinh bị đánh ngay trong phòng giám thị xảy ra vừa qua càng khiến cho nỗi sợ tăng cấp. Song những thầy cô tâm huyết với nghề cho biết, thực chất, phòng giám thị mang một ý nghĩa vô cùng nhân văn trong nhà trường.
Phải bắt kịp "hơi thở" của học trò
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP HCM chia sẻ, làm giám thị trong trường học là cả một nghệ thuật trong giáo dục.
Đề cập tới vụ việc hai thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh ngay trong phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, thầy Phú cho rằng, đấy là câu chuyện đau lòng với ngành Giáo dục và có thể coi là vụ việc điển hình trong việc lựa chọn cách hành xử, giáo dục với lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay.
Song trên thực tế việc giáo dục học trò hiện nay có quá khó hay không? Có quá mệt mỏi như nhiều thầy cô đang ngán ngại hay không?!
Theo thầy Phú, trong thời đại 4.0 hiện nay, về mặt phương pháp kỹ năng giáo dục học sinh, nhà trường nên đầu tư cho đội ngũ giáo viên làm công tác giám thị. Nhất là trong giao tiếp vừa phải đảm bảo tính sư phạm, vừa phải đảm bảo có tính kỹ năng.
Trong phòng giám thị này phải có giáo viên lớn tuổi, giáo viên nhỏ tuổi để thấu hiểu rõ tâm sinh lý tuổi học trò, nắm bắt những "cung bậc cảm xúc" ở lứa tuổi học trò. Hay nói cho đúng là phải nắm bắt kịp "hơi thở" của học trò.
Học trò ngày nay thích nghe nhạc gì? Thích kết bạn, thích tách biệt, cách ly khỏi gia đình, thích tụ tập nhau ra sao?
Trong đó, người lãnh đạo trong nhà trường nắm vai trò chủ đạo, nắm bắt được mọi vấn đề, là chỗ dựa tinh thần cho các em, làm sao vị tổng chỉ huy này của nhà trường khi gặp gỡ các em có "vấn đề" thì mọi việc "dữ" hóa "hiền", việc lớn hóa nhỏ.
Làm sao mọi vấn đề khúc mắc của học trò khi xuống tới phòng giám thị đều phải được giải tỏa, bình an. Càng không phải là nơi răn đe, bạo hành với học sinh. Mà là nơi học sinh có thể chia sẻ với nhà trường, nơi mà học sinh cảm nhận được sự bảo bọc tình yêu thương của các thầy cô.
Theo ý kiến của một giáo viên, nguyên Phó phòng giáo dục một quận tại TP HCM, sự vụ xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, thuộc tầm quản lý của nhà trường.
Cô giáo này chia sẻ, người chỉ huy nhà trường phải đủ tầm để suy nghĩ, điều hành mọi việc. Ở đây chúng ta đang quản lý đối tượng là học sinh, ở lứa tuổi THCS là trẻ vị thành niên.
Ngoài Luật Giáo dục, ta còn có Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên. Đã gọi là đối tượng trẻ em thì ta phải dùng tình thương để giáo dục, để cảm hóa.
"Mọi việc xảy ra với trẻ đều là do ta làm chưa hết trách nhiệm với đứa trẻ", cô giáo này nhấn mạnh. Với vi phạm ở một trẻ vị thành niên, bắt buộc khi giáo dục cần có bậc cha mẹ, người giám hộ trẻ cùng phối hợp, chứ không thể mời lực lượng Công an, dân phòng, bảo vệ bên ngoài vào để dùng những biện pháp mang tính bạo lực, phản sư phạm dạy dỗ trẻ.
Chừng nào các em vi phạm vào yếu tố mang tính hình sự ngoài xã hội, khi có yêu cầu của lực lượng chính quyền địa phương, nhà trường mới cho gặp học sinh (nếu còn đi học).
Còn bản thân nhà trường nhất thiết không đươc mời những lực lượng như dân phòng, bảo vệ vào trường để "xử lý" một trẻ em cho dù em đó không phải là HS trường mình. Phải trả lại vai trò cho phòng giám thị nhà trường là nơi bảo vệ trẻ, học sinh.
Thắp lên và làm bừng sáng ngọn lửa sống tích cực
Theo phân tích của thầy Huỳnh Thanh Phú, từ xưa tới nay, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố trong mối liên hệ với trường học chỉ là lực lượng hỗ trợ nhà trường trước cổng, chống ùn tắc giao thông, phối hợp bảo vệ ANTT trong và ngoài khuôn viên khi tổ chức các kỳ thi.
Không đưa lực lượng này vào để làm bảo vệ ban đêm, càng không nên đưa lực lượng này vào để trừng trị, hay áp dụng biện pháp bạo lực để giáo dục học trò.
"Không có học sinh hư hỏng, chỉ có người thầy không tích cực mà thôi! Cái cách mà nhà trường tôi đang cố gắng, đó là làm sao thầy, cô giám thị như là một "Idol" của học trò.
Giám thị của trường có khi là một "hot boy", thậm chí là nữ MC giỏi giao tiếp, tương tác thông minh cùng các em trong các tiết sinh hoạt dưới cờ", thầy Thanh Phú tâm sự.
Được biết, tại Trường THPT Nguyễn Du đang áp dụng một phương pháp khá đặc biệt trong giáo dục học sinh có lỗi, đó là phòng giám thị mời học sinh vi phạm xuống, thầy giáo phòng giám thị chỉ lên kệ sách cho các em lựa một cuốn sách để tự ngồi đọc, ví dụ như cuốn: "Đắc Nhân tâm", hay cuốn "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"...
Những cuốn sách này là của các thầy trong phòng tự sưu tầm. Sau khi đọc xong, học sinh được yêu cầu viết ra trên giấy những cảm nghĩ của mình về cuốn sách, học hỏi được gì từ cuốn sách. Chứ không kỷ luật, hạ hạnh kiểm, không mời cha mẹ.
Với hình thức kỷ luật "mềm" như vậy, phòng giám thị của nhà trường từ lâu nay không trở thành nỗi sợ, mà ngược lại được các em rất trân trọng. Thậm chí, rất nhiều điều thầm kín, riêng tư của học sinh trong trường đã tìm tới những thầy trong phòng giám thị để được "giải tỏa", trả lời trong mọi thời gian, kể cả ban đêm.
Mọi khúc mắc các vấn đề như mâu thuẫn với bạn, tình cảm bạn bè mới lớn,… đều được các em tin tưởng, chia sẻ với thầy giám thị.
Rất nhiều học sinh quá cá tính, ở nhà không nghe lời phụ huynh, nhưng đến trường, thầy cô lại là nơi cứu cánh cho các em, lời khuyên bảo với các em trở nên quí giá vô cùng. Vì khi ấy các em không biết bấu víu vào đâu. Từ những lần như vậy, mối quan hệ giữa thầy và trò trong ngôi trường này ngày càng hiểu và thương nhau nhiều hơn.
Thầy Phú chia sẻ thêm, do người thầy không "bắt kịp" hơi thở học trò nên nhiều người cho rằng là học sinh thời bây giờ quậy phá, khó dạy. Có những em trái khoáy, dữ dội, hỗn láo.
Nhưng nếu đuổi học với thành phần ngỗ ngược này thì dễ nhưng thử hỏi, trong nhà trường còn không dạy được thì ra đường ai dạy các em được? Nếu đuổi học coi như ta lại đẩy các em này đi vào ngõ cụt cuộc đời.
"Nếu vì danh tiếng của một tập thể mà ta nỡ lòng bỏ đi, "cắt" đi một cá thể chưa toàn vẹn thì tính nhân văn nhà trường đã không còn! Không thể "mỗi lần đạp phân thì chặt chân". Ta phải dùng tình cảm, tình thương, sự bao dung của người thầy để lôi kéo một học sinh "chưa ngoan" về đúng quỹ đạo.
Theo tôi, kể cả ở một học sinh "hư", khi mà ta không còn nhìn thấy tia hy vọng nào thì cũng xin hãy cố gắng nắm bắt được một đốm lửa nhỏ nhoi, đốm lửa sống tích cực trong em đó mà nhen nhóm lên, châm lên cho nó sáng bừng từ tâm hồn tới cả cơ thể của em học sinh ấy!", thầy Phú chia sẻ…
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/vai-tro-nhan-van-cua-phong-giam-thi-nha-truong-637606/