Vạn bước chân ở Nghĩa trang Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn những ngày tháng bảy nắng như đổ lửa nhưng không ngăn được dòng người từ mọi miền Tổ quốc ngày một đông hội tụ về đây tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Để hoàn thành công việc chăm sóc nơi yên nghỉ của các anh, trung bình mỗi cán bộ ở nghĩa trang mỗi ngày phải đi bộ ít nhất một vạn bước chân.

 Đoàn cán bộ Ủy ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Đoàn cán bộ Ủy ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Ngàn đời tạc sử

Ngay khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn khốc liệt, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã nghĩ đến việc chọn một nơi đất thiêng để xây dựng nghĩa trang quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trên dãy Đông Trường Sơn về một mối. Trong tâm thức của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, mảnh đất được chọn xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn phải là nơi địa đầu của miền Nam, gắn kết khăng khít với lịch sử bộ đội Trường Sơn. Khi còn sống Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên kể rằng với những tiêu chuẩn đó thì khu vực đồi Bến Tắt ở thượng nguồn về phía bờ Nam sông Bến Hải hội đủ yếu tố nhất, được Binh đoàn Trường Sơn và Bộ Chính trị chọn xây dựng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Khu vực đồi Bến Tắt nằm cạnh trục đường Hồ Chí Minh, có đồi núi, sông, đường giao thông, địa lí, địa hình ở vào thế địa linh. Ngày 24/2/1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã khởi công xây dựng nghĩa trang, sau gần hai năm thì hoàn thành.

Trong gần 6.000 ngày đêm chiến đấu phục vụ chiến trường miền Nam, xây dựng đường Trường Sơn, đã có trên 10 vạn chiến sĩ tham gia, trong đó có 8 sư đoàn, binh chủng cùng với 2 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, quân đội Mỹ và chính quyền miền Nam cũ đã ra sức đánh phá hệ thống đường Trường Sơn bằng nhiều chiến dịch bộ binh và không quân. Một hệ thống máy móc điện tử được sử dụng để hướng dẫn máy bay trút xuống Trường Sơn hơn 3 triệu tấn bom đạn. Ngoài ra, chất độc da cam cùng một số loại chất độc hóa học diệt cỏ khác cũng được rải xuống nhiều vùng trên đường Trường Sơn hòng làm trụi lá cây. Các dự án tạo mưa và các chất độc hóa học tạo bùn cũng đã được sử dụng để phá đường. Nhưng tất cả mọi mưu đồ của quân xâm lược đều không khuất phục được ý chí của bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn. Để thống nhất được đất nước, hàng nghìn người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống giữa Trường Sơn, máu của các anh chị đã nhuộm đỏ lá cờ Tổ quốc.

 Cán bộ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ

Cán bộ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ

Anh Hoàng Văn Minh, Phó trưởng Ban quản lí nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, phụ trách trực tiếp Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn cho biết, hai chữ Trường Sơn đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Trường Sơn là biểu tượng của ý chí và lòng dũng cảm của biết bao chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, máu của các anh đã đổ xuống để non sông được thống nhất, vẹn nguyên, cho mỗi chúng ta có được cuộc sống thanh bình và ấm áp ngày hôm nay. Mỗi cử chỉ, mỗi việc làm để ghi nhớ công ơn ấy nhằm góp phần vun đắp đạo lí uống nước nhớ nguồn, giáo dục và hun đúc truyền thống ấy trong các thế hệ người Việt Nam.

Mang nặng lòng biết ơn

Nghĩa trang được bố trí trên một khu vực có bảy quả đồi liên tiếp, rộng gần 40 ha, mỗi quả đồi được thể hiện một chức năng khác nhau. Quả đồi trung tâm là nơi đặt tượng đài và sân hành lễ, sáu quả đồi còn lại lượn theo thế hình vòng cung hướng về phía Tây dành để bố trí các khu mộ liệt sĩ an táng theo từng tỉnh, thành. Toàn bộ được chia thành 24 khu mộ, bố trí theo địa hình cao thấp khác nhau hài hòa, tĩnh lặng. Công việc hằng ngày của các anh, chị trong Ban quản lí nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ là đón khách, quét dọn vệ sinh và dâng hương đều khắp trên từng nấm mộ liệt sĩ. Để hoàn thành ngần ấy việc, trung bình mỗi người ở đây mỗi ngày phải đi bộ ít nhất một vạn bước chân. Với các anh, chị được gắn bó, chăm sóc phần mộ của các anh hùng liệt sĩ là niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng.

Những ngày này, Ban quản lí nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ phải huy động toàn bộ lực lượng, ngày đêm túc trực lo toan công việc để kịp phục vụ các đoàn du khách. Trong khói hương trầm nghi ngút và tiếng nhạc cử hành lễ trang nghiêm, những thành viên trong Đội đón tiếp hướng dẫn tổ chức lễ viếng lưng áo đẫm mồ hôi, thầm lặng, ân cần phục vụ du khách đến dâng hương hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Mọi người không ai bảo ai đều cố gắng, thành tâm giúp du khách hành lễ có những phút giây tưởng niệm thiêng liêng.

Anh Hoàng Văn Minh cho biết, 18 cán bộ đang công tác tại nghĩa trang, có người gắn bó hơn ba mươi năm và cũng có người mới vào nghề, nhưng ai nấy đều tận tụy với công việc, luôn thầm lặng hi sinh ngày đêm để trên nấm mồ các anh hùng liệt sĩ luôn sạch sẽ, ấm áp khói hương. Mỗi ngày làm việc của các anh, chị trong đội bắt đầu từ 5 giờ sáng cho đến chiều tối, bất kể thời tiết mưa nắng thế nào. Bắt đầu mỗi ngày bằng việc quét dọn khu lễ đài chính, rút tỉa bớt chân nhang tại các lư hương, sắp xếp các vòng hoa, lễ vật, vệ sinh các nhà bia và toàn bộ các khu mộ trong nghĩa trang. Mọi công việc phải được hoàn thành sớm để kịp phục vụ du khách đến dâng hương. Việc không nặng nhọc nhưng cần sự tỉ mẩn đòi hỏi ai cũng phải tự nguyện, tự giác để hoàn thành.

 Mỗi ngày có nhiều đoàn du khách đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Mỗi ngày có nhiều đoàn du khách đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Những ngày tháng bảy này, du khách đến viếng nghĩa trang hầu hết các thời gian trong ngày nên các anh chị liên tục phục vụ đốt nhang, đặt lễ, vòng hoa viếng, tổ chức lễ tưởng niệm cho các đoàn, dẫn khách đến viếng các khu mộ của các địa phương theo yêu cầu…Trung bình mỗi ngày có đến 50 đoàn khách (hơn 1.500 người) đến với các anh hùng, liệt sĩ. Nhiều hôm công việc phục vụ bận rộn xuyên qua buổi trưa, vừa không có thời gian rảnh, vừa mệt vì quá bữa, các anh chị đành bỏ bữa trưa và nhịn cho đến chiều. Có những hôm du khách làm lễ cầu siêu cho vong linh các anh hùng, liệt sĩ thì các anh, chị phải trực cho đến khi xong lễ, khoảng 11-12 giờ đêm. Thế nhưng sáng hôm sau mọi người đều phải bắt đầu công việc của mình tại nghĩa trang từ 5 giờ sáng. Sự hài lòng của du khách, của gia đình, thân nhân các anh hùng, liệt sĩ mỗi khi đến thăm viếng là niềm vui và động lực để anh, chị làm tốt hơn nữa phần việc của mình.

Anh Lê Gia Phong người ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, phụ trách chăm sóc khu liệt sĩ Nghệ - Tĩnh cho biết có nhiều ngày chiều hôm trước vừa quét sạch lá cây trong khuôn viên thì chỉ sau một đêm lá rụng đầy như cũ. Mùa nắng thì sợ thắp nhang nhỡ sơ suất gây cháy, mùa mưa thì sợ lá cây ẩm mục làm bẩn phần mộ. Công việc lặp đi lặp lại hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm mà nếu không có sự thành tâm và bền bỉ thì khó mà hoàn thành được. Gắn bó với công việc, anh Phong gần như thuộc tên các liệt sĩ trên từng bia mộ. Có khi anh vừa làm việc vừa trò chuyện tỉ tê với các liệt sĩ như để được tiếp thêm sức mạnh và nguồn động viên trong cuộc sống. Nhiều hôm đang làm vệ sinh các khu mộ thì bắt gặp các cựu chiến binh đến thắp nhang, tâm sự, hát ru cho đồng đội của mình trong lòng đất, các anh phải dừng công việc, để các chú, các anh có “không gian riêng” với nhau.

Có một điều đặc biệt ít ai biết đó là các anh chị em của đội quản trang còn làm cầu nối cho các thân nhân liệt sĩ lớn tuổi. Thân nhân liệt sĩ ở xa, sức yếu không thể đến được nghĩa trang để tận mắt nhìn nơi con em mình đang yên nghỉ, vậy là gọi điện nhờ các anh chị đến nấm mộ của liệt sĩ con em họ thắp giùm nén nhang, rồi chụp hình gửi về cho người thân. Nhìn được tấm hình nghi ngút khói nhang trên nấm mồ, thân nhân liệt sĩ cảm thấy an lòng.

Công việc vất vả là vậy nhưng ai nấy đều rất tự hào, tâm niệm cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình để tỏ lòng tri ân các anh hùng đã anh dũng hi sinh vì tự do của dân tộc. Bác Nguyễn Xuân Hoàng (78 tuổi), cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đến thăm nghĩa trang vào dịp này rất xúc động khi nhìn thấy trên từng khu mộ luôn ấm áp hương hoa, sạch sẽ. Tay bắt mặt mừng nói chuyện với các anh trong Đội đón tiếp hướng dẫn tổ chức lễ viếng, bác đã cảm ơn các anh chị ngày đêm trông nom, chăm sóc từng nấm mộ để thể hiện lòng biết ơn với thế hệ cha anh.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đã xúc động trước sự tận tụy với công việc của Ban quản lí nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ. Thay mặt Đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ông đã tặng quà và chúc các anh chị luôn sức khỏe, tận tâm, tận tụy hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày đêm chăm sóc các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang để người thân các liệt sĩ và người dân cả nước yên lòng, không chỉ mỗi dịp tháng bảy về.

Trần Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=141042