Vẫn chưa tìm ra giống mì kháng bệnh khảm lá

Hiện nay rất nhiều nông dân trong tỉnh mong muốn có được giống mì kháng bệnh khảm lá để trồng nhưng trong lúc chưa tìm được giống mì phù hợp, thì hiện nay vẫn còn tình trạng người dân mua giống khoai mì từ những điểm bán giống cây mì hoặc tái sử dụng giống cây mì đã nhiễm bệnh.

Trung chuyển mì thu hoạch từ đảo Nhím lên bờ hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Trung chuyển mì thu hoạch từ đảo Nhím lên bờ hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Bệnh khảm lá trên cây mì được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 6.2017, đến nay, đã lây lan ra 15 tỉnh, thành phố trên cả nước với diện tích nhiễm 31.304 ha. Là “thủ phủ” cây mì của cả nước, thời gian qua, Tây Ninh đã phối hợp cùng các ngành chức năng Trung ương, các tổ chức cung cấp giống tìm biện pháp “đối phó”. Một trong những biện pháp được đưa ra là tìm giống mì có khả năng kháng virus gây bệnh khảm lá mì, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

“Phá sản” mô hình giống mì kháng bệnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mô hình sản xuất khoai mì sạch bệnh được triển khai trên diện tích 160 ha trồng thử nghiệm giống mì KM94 tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu không đạt được mục tiêu như mong muốn. Cây mì 9 tháng tuổi nhưng đã xuất hiện bệnh khảm lá mì với tỷ lệ nhiễm từ 40%- 79%.

Theo Sở NN&PTNT, việc không đạt được mục tiêu đề ra là do không kiểm soát được bọ phấn trắng xâm nhập và lây lan bệnh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho mô hình này tăng cao do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ bọ phấn trắng, cộng với chi phí thuê công lao động nhổ tiêu hủy cây mì bị bệnh lớn… Do vậy, ngành Nông nghiệp đang hoàn chỉnh thủ tục để ngừng thực hiện mô hình, cũng như sử dụng các giống mì sạch bệnh từ các tỉnh khác.

Mô hình trồng thâm canh cây khoai mì bền vững với diện tích 27 ha tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hiện cây mì được 8 tháng tuổi, đang trong giai đoạn nuôi củ đã bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ 50%.

Nói về việc thí điểm mô hình sản xuất khoai mì sạch bệnh nhưng không đạt mục tiêu, anh Phan Ánh Phương, ngụ huyện Tân Châu cho biết, anh tham gia mô hình với khoảng 80 ha trồng giống KM94. Thời gian đầu, cây mì phát triển rất tốt do được chăm sóc, xịt thuốc bảo vệ thường xuyên để trừ bọ phấn trắng. Có thời điểm, anh nghĩ rằng mô hình sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Vấn đề phát sinh kể từ khi cây mì được 4 tháng tuổi, do cây mì cao lớn nên không có phương tiện để phun xịt thuốc trừ sâu thường xuyên. Bọ phấn trắng bắt đầu tấn công và kết quả là, gần như toàn bộ diện tích cây mì trồng trong mô hình bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên theo anh Phương, cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá nhưng do được chăm sóc kỹ từ lúc mới trồng vẫn cho sản lượng trung bình khá. Theo ước đoán của anh, 1 ha mì trồng trong mô hình có thể cho sản lượng từ 30 đến 35 tấn, với mức giá hiện nay thì anh vẫn có lãi, dù không nhiều.

Tiếp tục khảo nghiệm tìm giống mì

Anh Trần Thái Ngọc- một nông dân trồng mì ở thị trấn Tân Châu cho biết, vụ mì vừa qua anh phối hợp với một Trung tâm giống cây trồng ở tỉnh Đồng Nai trồng khảo nghiệm hơn 200 giống mì, nhưng vẫn có nhiều giống mì không có khả năng kháng bệnh khảm lá. Sau đó, Trung tâm giống chọn hơn 20 giống mì được cho là có sức đề kháng tốt với bệnh khảm lá mì giao cho anh Ngọc trồng khảo nghiệm tiếp.

Mới đây, Trung tâm giống tiếp tục đưa lên cho anh Ngọc trồng khảo nghiệm hơn 100 giống mì mới. Tuy nhiên, anh Ngọc cũng không dám xác định giống mì nào có sức đề kháng cao với bệnh khảm lá, vì đây là chuyện chuyên môn của trung tâm giống. Trách nhiệm của anh Ngọc là trồng và chăm sóc các giống mì theo quy trình trung tâm hướng dẫn. Anh Ngọc hy vọng trong thời gian tới sớm tìm ra được giống mì kháng bệnh khảm lá, giúp người nông dân có được giống mì tốt để sản xuất.

Kiểm tra hom của từng giống mì kỹ càng trước khi đưa đi trồng thử nghiệm.

Kiểm tra hom của từng giống mì kỹ càng trước khi đưa đi trồng thử nghiệm.

Dù biết trồng mì có nguy cơ nhiễm bệnh khảm lá cao nhưng nhiều nông dân vẫn không chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Anh Thuận, một chủ rẫy mì đang thu hoạch tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh cho biết, 2 ha mì của anh nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ trên 70%. Nhờ chăm sóc thường xuyên nên 1 ha mì cho năng suất gần 30 tấn. Theo anh Thuận, với giá khoai mì dao động hiện nay khoảng 2.500 đồng/kg thì người trồng mì vẫn có lãi.

Anh Thuận cho biết thêm, hiện nay rất nhiều nông dân trong tỉnh mong muốn có được giống mì kháng bệnh khảm lá để trồng nhưng trong lúc chưa tìm được giống mì phù hợp, thì hiện nay vẫn còn tình trạng người dân mua giống khoai mì từ những điểm bán giống cây mì hoặc tái sử dụng giống cây mì đã nhiễm bệnh.

Đây là vấn đề mà ngành chức năng cần lưu tâm trong công tác phòng, chống dịch. Bởi lẽ, nếu các rẫy mì được trồng bằng giống mì sạch bệnh nằm xen với các ruộng mì trồng giống mì đã nhiễm bệnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan.

Thiên Tâm

Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/van-chua-tim-ra-giong-mi-khang-benh-kham-la-a115465.html