Vẫn còn nhiều vướng mắc trong sản xuất, phát hành phim Nhà nước đặt hàng

Mặc dù Luật Điện ảnh hiện hành đã có nhiều thuận lợi cho phát triển điện ảnh nhưng riêng sản xuất, phát hành phim Nhà nước đặt hàng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Điện ảnh – ông Vi Kiến Thành trong buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDLK) vào chiều 3/10 tại Hà Nội. Ông Thành cho biết, đợt phát hành phim “Đào, Phở và Piano” đã mang về doanh thu 20 tỷ đồng. Đây là một trong số phim được Bộ VHTTDL cho phát hành thí điểm ngoài hệ thống rạp theo hình thức bán vé. Cùng với phim này còn có một số phim khác do Nhà nước đầu tư sản xuất như “Hồng Hà nữ sĩ” và 6 phim hoạt hình.

Lý do thí điểm là lâu nay chúng ta chưa từng phát hành phim Nhà nước đặt hàng theo hình thức này, trong khi Cục Điện ảnh luôn bị thắc mắc là không lẽ phim do Nhà nước đặt hàng chỉ chiếu miễn phí và không có khả năng mang về doanh thu? Kết quả toàn bộ đợt phát hành phim nói trên đã mang về tổng doanh thu 25 tỷ đồng. Đợt chiếu phim thí điểm kết thúc vào 30/3. Nhưng vì chưa có quy định về phát hành phim Nhà nước đặt hàng nên doanh thu không biết gửi vào đâu. Tháng 4/2024, Cục Điện ảnh đề xuất Bộ VHTTDL cấp tài khoản để nhận số tiền này và đến cuối tháng 9/2024, Cục mới có tài khoản để nhận 25 tỷ nói trên.

Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý III năm 2024 vào chiều 3/10.

Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý III năm 2024 vào chiều 3/10.

Để giải quyết các vướng mắc trên, Cục đã đề xuất Bộ VHTTDL đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định riêng về phát hành phim Nhà nước đặt hàng, trong đó sẽ quy định rõ đơn vị nào được phép phát hành, tỷ lệ % cho rạp phát hành là bao nhiêu. Nếu mọi việc đều thuận lợi thì ít nhất phải đến năm 2025 chúng ta mới có Nghị định này.

Liên quan đến bộ phim mới nhất được sản xuất theo hình thức Nhà nước đặt hàng là “Bà già đi bụi”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho hay, phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, là đề tài về văn hóa gia đình, thuộc dạng phim Nhà nước đầu tư sản xuất nhưng phải qua đấu thầu. Cục Điện ảnh đã phải trải qua nhiều quy trình rất vất vả.

“Trong Luật Điện ảnh quy định các đề tài, nội dung phim được đặt hàng là lịch sử, lãnh tụ, cách mạng, miền núi dân tộc, tình hữu nghị. Các đề tài khác trong đó có văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo Nghị định 32 của Bộ Tài chính thì phải đấu thầu. Nhưng làm phim mà phải đầu thầu theo quy định này thì có rất nhiều bất cập,chúng tôi đã nói rất nhiều lần. Trong Điện ảnh,kịch bản và đơn vị sản xuất phải đi liền với nhau. Không thể có chuyện lấy kịch bản của một tác giả, một đơn vị sản xuất để đem ra đấu thầu rồi lại giao kịch bản đấy cho một đơn vị khác để sản xuất, trừ khi chúng ta có một ngân hàng kịch bản. Nếu Nhà nước bỏ tiền để sở hữu một lượng kịch bản nhất định thì lúc đấy chúng ta mới có thể đem kịch bản ra đấu thầu, xây dựng dự án sản xuất phim. Nhưng tôi nghĩ không bao giờ chúng ta có ngân hàng kịch bản thuộc sở hữu Nhà nước”, ông Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, về phát hành phim “Bà già đi bụi”, ông Thành cho biết, kế hoạch phát hành phim này cũng sẽ như các phim khác do nhà nước đầu tư sản xuất, tức là phát hành trong các đợt phim, tuần phim, gửi về cho các địa phương để chiếu miễn phí, phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị.

N.Hoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/van-con-nhieu-vuong-mac-trong-san-xuat-phat-hanh-phim-nha-nuoc-dat-hang-i746056/