Vẫn còn núi Nhạn bên sông Đà Rằng

Một tác giả đọc thơ trong Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. ẢNH: LÊ MINH

Anh còn nợ em/ chim về núi Nhạn/trời mờ mưa đêm/ trời mờ mưa đêm/Anh còn nợ em/ nụ hôn vội vàng/ nụ hôn vội vàng/ nắng chói qua song…

Ấy là một đoạn trong ca khúc nổi tiếng Anh còn nợ em (nhạc: Anh Bằng, thơ: Phạm Thành Tài). Tôi nghĩ rằng, ngọn núi trong thi/nhạc phẩm cùng tên này đích thị là núi Nhạn - Tuy Hòa, bởi nhà thơ Phạm Thành Tài quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), rất gần Phú Yên. Bây giờ, người thơ và người nhạc đã đi xa và cũng không ai nói rõ lắm về chi tiết “núi Nhạn” này. Dẫu sao, nhắc đến địa danh biểu tượng của tâm hồn xứ Nẫu Phú Yên, người ta nhớ ngay đến núi Nhạn vẫn lung linh muôn thuở bên bờ sông Đà Rằng...

Lắng trong xứ sở

Theo tài liệu của Bảo tàng Phú Yên, núi Nhạn có hình thế như con chim nhạn xòe đôi cánh, vì vậy nên mới có tên gọi này. Cũng có người cho rằng, ngày xưa núi này như một cù lao nhỏ nằm trong vịnh Tuy Hòa (biển ăn sát đến tận chân dãy Trường Sơn), là nơi để loài chim nhạn làm tổ, trú ẩn.

Sau này, vịnh dần dần được bồi lấp tạo nên đồng bằng rộng lớn nối liền cù lao Nhạn với đất liền. Ngày trước, núi Nhạn có rất nhiều mai rừng nở vàng vào mùa xuân và mùa hạ; ở phía gần bờ sông Đà Rằng có một trảng sim nhỏ, đến mùa hoa nở tím ngát.

Trên đỉnh núi Nhạn có một ngôi tháp do người Chăm xây dựng vào thế kỷ thứ XII (cũng có tài liệu nói là xây vào thế kỷ XIV). Tháp có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh 10m, cao trên 20m; có đế móng, thân và mái là những gờ gạch xây nhô ra bên ngoài.

Tháp Nhạn có 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại, nhưng mô hình và cách thức trang trí từ dưới lên đều giống nhau. Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp, phần chóp được cấu tạo bằng phiến đá nguyên tảng (đã qua đẽo gọt) có hình búp sen cân đều. Đó là biểu tượng Linga của người Chăm. Về nghệ thuật tạo hình, thân tháp có tạc tượng thần và những chiếc cột bằng gạch xếp chồng đều nhau thẳng như kẻ chỉ, tạo thành những đường gờ nhô ra, để khi trông vào không có cảm giác nặng nề và đơn điệu của một hình khối đồ sộ.

Vật liệu xây dựng tháp đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Người ta khó mà biết được kích cỡ của từng viên gạch, nếu không nhờ vào những nơi bị sứt mẻ, bị ngã đổ. Có nhiều viên hình chữ nhật kích thước 40x20x7cm.

Trụ và xà ngang của cửa chính là khối đá vôi mềm dễ đẽo gọt, đục chạm. Bốn bên mặt ngoài thân tháp có những cột xây áp vào thân tháp mà mục đích có thể là để gia cố cho tháp được vững chắc. Bắt đầu cuốn lên mái, ở bốn góc bên ngoài thân tháp đều được xây nhô ra những trụ hình chóp có kích cỡ rất nhỏ. Tháp được chạm khắc khá hài hòa, đường nét tinh xảo, mềm mại, là bậc thầy của nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ và mãi mãi sau này.

Năm 1988, tháp Nhạn được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2018, tháp Nhạn trở thành Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Qua bao nắng mưa lịch sử, tháp Nhạn vẫn trầm mặc uy nghi bên bờ sông Đà Rằng, khi dòng sông này hòa với biển Đông ở cửa Đà Diễn.

Một nhánh sông Đà Rằng, nhìn từ núi Nhạn. Ảnh: HÙNG PHIÊN

Một nhánh sông Đà Rằng, nhìn từ núi Nhạn. Ảnh: HÙNG PHIÊN

Còn sông Đà Rằng theo tiếng Chăm cổ có nghĩa là “con sông lau sậy” (Ea Drăng). Phần thượng lưu gọi là sông Ba (Ea Pa, Ia Pa). Tổng chiều dài của sông Ba là 388km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (Kon Tum) ở độ cao 1.549m, chảy qua Gia Lai rồi xuôi về Phú Yên. Đến địa phận Phú Yên giáp biển, sông Ba có “nghệ danh” Đà Rằng. Đây là con sông cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, với diện tích hơn 20.000ha, vựa lúa lớn nhất miền Trung. Hai bên bờ sông Đà Rằng là những xóm làng trù phú, với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích gắn với lịch sử của vùng đất trấn biên thuở nào.

Lộc quý cho tâm hồn mỗi mùa xuân về

Từ nhiều năm qua, danh thắng núi Nhạn đã trở thành vườn sưu tập thực vật với hàng trăm chủng loại cây phong phú, quanh năm mướt mát. Là nơi vui chơi, rèn luyện thể thao, hẹn hò, vãn cảnh thân thuộc của người dân địa phương và du khách. Và rồi bốn thập kỷ qua, núi Nhạn đã trở thành “thánh địa” hành hương thơ độc đáo trong đêm Nguyên tiêu thường niên. Khởi phát từ năm 1980, đến xuân Canh Tý - 2020, Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên tròn 40 năm đến hẹn lại lên. Với người làm thơ, yêu thơ thì Nguyên tiêu núi Nhạn là một nỗi nhớ thiêng liêng của dìu dặt tiếng thơ dưới chân cổ tháp, lồng lộng trăng soi bến Đà Rằng.

Theo nhà văn Đào Minh Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, Tuy Hòa là thành phố khá đặc biệt khi ôm gọn hai ngọn núi trong lòng (núi Nhạn và núi Chóp Chài). Núi Chóp Chài cao 394m so với mực nước biển, đường lên núi khá dốc. Còn núi Nhạn chỉ cao khoảng 60m, đường lên thoai thoải, rộng rãi, nhiều người có thể cùng lúc leo lên và xuống núi. Trên đỉnh núi, ngay dưới chân tháp Nhạn có một khoảng sân rộng, không gian thoáng đãng, hết sức phù hợp để tổ chức hội thơ.

Chính việc đưa thơ lên đỉnh núi giữa TP Tuy Hòa đã là một sự kích thích khác biệt. Đỉnh núi Nhạn không phải là quá cao đối với những người trẻ tuổi nhưng cũng đủ “mỏi gối chồn chân” những người cao niên; vậy mà không một ai yêu thơ, yêu đêm hội trăng rằm của xứ Nẫu này vắng mặt. Người lớn thì thành kính, người trẻ thì vui tươi, trật tự leo từng bậc thang, vòng theo những con dốc để xem, để nghe thơ trong tiếng đàn, sáo và gió ngàn ve vuốt. Thơ dưới bóng Nhạn tháp uy nghi, trải lên sông Đà Rằng thơ mộng, tỏa rộng ra bốn phương tám hướng của biển cả, núi non và lòng người đã làm nên sức hút kỳ diệu của hội thơ. Với nhiều người dân xứ này, được nghe thơ trên núi Nhạn bên chân tháp cổ dưới ánh trăng rằm tháng Giêng là một món lộc quý cho tâm hồn mỗi mùa xuân về.

Đầu thế kỷ XX, nữ sĩ Mộng Tuyết đã cảm hứng về cảnh núi sông này: “Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên/ Sông Đà núi Nhạn nước non tiên/ Bài thơ tương thức tình tương ngộ/Trọng nghĩa tư giao quý bạn hiền”.

Còn nhà thơ Nguyễn Gia Nùng mô tả: Cả người làm thơ, người yêu thơ đều phải vượt tầm cao/ Từ bốn phương trời tụ về bên tháp cổ/ Vầng trăng xuân chưa bao giờ tròn thế/ Sông Đà Rằng dào dạt giọng thơ ngâm (Luận án thơ từ núi Nhạn).

Theo nhà văn Đào Minh Hiệp, chính “trường hợp thơ núi Nhạn” cùng với nhiều yếu tố khác đã góp phần đưa đến quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày rằm tháng Giêng hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam (từ năm 2003, đến năm 2020 là lần thứ 18).

Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên xuân Canh Tý - 2020 sẽ được đầu tư kỹ lưỡng, với nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân sự kiện hội thơ bước vào tuổi 40. Hội thơ đặc biệt này đã gây hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng suốt bao năm qua.

Với nền tảng đó, tỉnh sẽ tự tin tiếp tục tổ chức các sản phẩm cộng hưởng đêm thơ Nguyên tiêu, như sắp đặt đường thơ lên núi Nhạn, trình diễn thơ và âm nhạc, cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu, xuất bản tuyển Thơ Nguyên tiêu 2020, hội thảo 40 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên…

Hội thơ núi Nhạn đã trở thành một sự kiện văn hóa thấm đẫm tính cộng đồng, một sản phẩm du lịch thực thụ thu hút du khách đến với Tuy Hòa, Phú Yên mỗi độ xuân về.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng

Bút ký của HÙNG PHIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234082/van-con-nui-nhan-ben-song-da-rang.html