Vẫn còn tình trạng cho 'nợ' tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, vẫn còn tình trạng cho nợ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều.

Chiều nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt Thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt Thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định trong Nghị quyết 100, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tổ chức thực hiện, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về cơ cấu lại và đổi mới sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo bền vững.

Qua 5 năm thực hiện, nhiều mục tiêu tổng thể của Nghị quyết 100 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao. Về tổng thể chương trình nông thôn mới, tới tháng 9 năm 2019, 52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, hoàn thành vượt mục tiêu sớm trước 01 năm.

Cho đến T8/2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%; 11 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 152/664 đơn vị cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới.

"Nhiều tiêu chí quan trọng như lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục... đã đạt được kết quả khả quan; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện, hạ tầng nông thôn được hoàn thiện; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tham gia vào các hoạt động kinh tế, chuyển đổi phương thức sản xuất, ổn định thu nhập; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững", ông Nguyễn Đức Hải trình bày.

Trình bày trước Quốc hội về việc thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Đức Hải cho biết: Số hộ nghèo đã giảm nhanh, trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm, từ 9,88% cuối năm 2015 giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm với 1.353.805 hộ nghèo (chiếm 58%) đã thoát nghèo; tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo cũng giảm đều qua các năm, từ 50,43% cuối năm 2015 giảm còn 27,85% cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm.

Đến hết năm 2019, kết quả thực hiện mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 100.

Cụ thể, việc ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.

Đặc biệt, đối với CTMTQG Xây dựng nông thôn mới thì một số địa phương tập trung nhiều vào các tiêu chí phát triển hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất tạo điều kiện ổn định thu nhập, sinh kế cho người dân theo hướng phát triển bền vững.

"Vẫn còn tình trạng cho nợ tiêu chí. Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều. Đào tạo nghề nông thôn còn bất cập, chất lượng và tính thực tiễn chưa cao", ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Quang cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cùng với đó, việc phân bổ và giao vốn CTMTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải; chậm giao chi tiết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, bố trí vượt số vốn ghi trong quyết định đầu tư, bố trí dồn vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiều công trình, dự án. Một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) ở mức cao.

Một số công trình hoàn thành, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp, chưa được chú trọng bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng kịp thời để phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững.

Thời gian qua, vẫn còn tình trạng nhiều địa phương lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm; mục tiêu vượt quá khả năng thực hiện, dẫn đến tình trạng phê duyệt dự án vượt khả năng cân đối, dẫn đến nợ XDCB trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện một số nội dung chưa thật hợp lý. Việc thực hiện lồng ghép nguồn lực thực hiện các CTMTQG còn nhiều hạn chế, chưa được hướng dẫn cụ thể, khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, năng lực cán bộ, đặc biệt là cấp xã vẫn còn hạn chế. Vai trò làm chủ đầu tư của cấp xã chưa thực sự được phát huy. Còn tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại trong bố trí nguồn lực cho Chương trình.

Kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, 3/8 vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với mục tiêu; chất lượng giảm nghèo đa chiều chưa thực chất, về cơ bản vẫn chỉ giảm nghèo về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-con-tinh-trang-cho-no-tieu-chi-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post101998.html