Vấn đề quản lý trật tự xây dựng làm 'nóng' kỳ họp

Theo chương trình đề ra, HĐND TP Hà Nội dành thời gian cả buổi sáng 5-7 để tiến hành tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa HĐND TP tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3. Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tiếp tục tái chất vấn về 3 nhóm vấn đề: Phòng cháy chữa cháy, quản lý đô thị và an toàn thực phẩm. Đây là những vấn đề dù đã được chất vấn nhiều lần nhưng vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cử tri.

Truy tận cùng vấn đề vi phạm trật tự xây dựng

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đây là lần đầu tiên HĐND chất vấn toàn bộ nội dung kết luận của một kỳ họp nhằm xem xét trách nhiệm, thúc đẩy tiến độ và hiệu quả công việc. Đây là bước rà soát công việc đang triển khai, thực hiện xác định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành nhằm thúc đẩy những việc chưa đúng tiến độ, bảo đảm kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện lời hứa của mình trước cử tri Thủ đô và người dân.

Quang cảnh phiên tái chất vấn.

Nhóm vấn đề về quản lý đô thị, cụ thể về công tác quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch được lựa chọn là nội dung mở đầu phiên tái chất vấn. Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) nêu, sau kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo tập trung rà soát, xử lý dứt điểm 985 công trình vi phạm xây dựng và đã có có hồ sơ chuyển đến các cấp chính quyền. Tuy nhiên những sai phạm này chưa được giải quyết dứt điểm, vậy giải pháp thời gian tới của UBND thành phố cho việc này ? Còn đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) phản ánh: Số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đặc biệt là vi phạm trên đất nông nghiệp không được xử lý dứt điểm mà có chiều hướng gia tăng, điển hình ở các huyện Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh. “Vậy trách nhiệm của chủ tịch UBND địa phương quận, huyện, xã, phường ở đâu?”, đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng đặt câu hỏi.

Đề cập tới việc tại một số khu đô thị, chủ đầu tư dự án đã không tuân thủ theo giấy phép, tăng mật độ sử dụng đất, chuyển đổi mục đích công năng công trình phụ trợ, đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín), Trần Thế Cương (tổ Bắc Từ Liêm), Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) đặt cầu hỏi: Có những khu đô thị quy mô dân số tương đương một phường, hạ tầng dân sinh thiết yếu quá tải trầm trọng, vậy trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến Trúc, UBND thành phố ở đâu? Biện pháp khắc phục thế nào? Còn đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hòa) nêu vấn đề, qua khảo sát, quỹ đất cho xây dựng trường học chưa được hiệu quả, còn có dự án trùng vào khu đất nghĩa trang, đất quy hoạch. Đề nghị UBND thành phố cho biết trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp giải quyết?

Kiên quyết xử lý sai phạm

Trả lời chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Châm cho biết do những nguyên nhân trong quá trình phát triển cùng với việc quản lý nhà nước ở một số thôn xóm còn yếu kém dẫn đến những vi phạm. Có thời điểm, chính quyền buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm không xử lý dứt điểm. Về những sai phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Hải Bối, xã Nguyên Khê, trách nhiệm trực tiếp thuộc chính quyền cơ sở. Thời gian tới sẽ tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại này. Trong đó, vi phạm ở xã Nguyên Khê sẽ xử lý xong trước ngày 15-7, ở xã Hải Bối trong 6 tháng cuối năm sẽ xử lý dứt điểm.

Liên quan tới sai phạm về quản lý trật tự đô thị tại huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, trong 59 công trình vi phạm, 6 tháng đầu năm đã giải quyết 38 công trình, 21 vi phạm thuộc năm 2017 đang xử lý. “Việc xây trái phép trong quá trình dồn điền đổi thửa là có xảy ra và chúng tôi sẽ ngăn chặn kịp thời, hỗ trợ người dân làm theo đúng quy định. Giải pháp là sẽ có những chuyên đề quản lý đất đai để các lãnh đạo xác định trách nhiệm và biện pháp”, ông Đoàn Văn Trọng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời các câu hỏi liên quan tới vấn đề quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến Trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, khi dự án được phê duyệt đều có dành quỹ đất cho việc xây dựng các hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, nhà văn hóa... nhưng việc thiếu trường học tại khu đô thị là do trong quá trình triển khai thực hiện, thường các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng xã hội sau. “Chúng ta chưa có chế tài buộc các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội trước nên họ cứ xây nhà trước để bán”, ông Lê Vinh cho biết.

Về hướng giải quyết, ông cho rằng, ở khu đô thị mới đang xây dựng thì thành phố sẽ yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà trẻ, trường học. Đối với các dự án cấp mới, ngay trong khâu cấp phép phải có chế tài yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội trước khi xây nhà. Trong quá trình cải tạo chung cư cũ, tới đây Sở sẽ tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Về vấn đề quy hoạch quỹ đất xây dựng trường học vào vị trí khó giải phóng mặt bằng, ông Lê Vinh cho rằng, Sở đã phát hiện có việc này và đã điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Chỉ rõ nguyên nhân để gây ra vấn đề vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thành phố có quy định, công cụ pháp luật đầy đủ về xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chất lượng của cán bộ quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Ý thức chấp hành của chủ đầu tư và bộ phận người dân chưa tốt, cố tình vi phạm. Tới đây, thành phố sẽ xem xét từng trường hợp, rút kinh nghiệm trong thực hiện pháp luật. Đồng thời, thành phố sẽ nâng cao chất lượng quản lý, nhất là bộ máy quản lý trực tiếp địa phương bằng cách sàng lọc, xây dựng bộ máy có hiệu quả. “Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm, không để phát sinh những vi phạm mới”, Phó chủ tịch UBND thành phố cam kết.

Phần chất vấn nội dung mới sẽ được tiến hành trong buổi chiều. Căn cứ vào ý kiến cử tri phản ảnh, qua giám sát trực tiếp của Ban Kinh tế Ngân sách, Thường trực HĐND đề xuất nội dung chất vấn về tình hình hoạt động, quản lý chợ trên địa bàn TP. Đây là vấn đề dân sinh, cần HĐND giám sát để công tác quản lý chợ thực hiện đúng yêu cầu đề ra, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán văn minh của người dân, đồng thời bảo đảm cảnh quan đô thị.

HĐND TP Hà Nội cũng cho biết, qua quá trình tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND thứ 4 khóa XV, Thường trực HĐND TP đã nhận được 297 ý kiến về các vấn đề phá triển kinh tế xã hội, quy hoạch quản lý đất đai, đô thị, PCCC, vệ sinh môi trường, môi trường dân sinh… Theo đó, Thường trực HĐND đã tổng hợp đầy đủ, phân loại theo thẩm quyền chuyển đến UBND TP và các cơ quan quận, huyện, thị xã để xem xét và có phản hồi. Những nội dung này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử thành phố trước kỳ họp thứ 4.

Bài, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/van-de-quan-ly-trat-tu-xay-dung-lam-nong-ky-hop-511570