Vận động ngăn chặn bạo lực súng đạn ở Mỹ không hiệu quả?Tin khácGiá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Người chăn nuôi gặp khóNhớ lời Bác dạy 'thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua'

Phong trào phản đối bạo lực súng đạn đang lên cao trên khắp nước Mỹ. Thế nhưng, nhiều người cho rằng phong trào này vẫn thiếu hiệu quả và cuối cùng cũng sẽ chỉ đem lại một cảm giác như đã từng xảy ra trước đây: Mệt mỏi!Biểu tình phản đối bạo lực súng đạn ở Washington D.C. Ảnh: Getty Images.NRA phản đối bất kỳ đề xuất hạn chế mới nào đối với sở hữu súng đạn. Ảnh: New York Times.Người nhà tập trung bên ngoài hiện trường vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, Uvalde, Texas. Ảnh: Reuters.

Ngày 11-6 (ngày 12-6 giờ Việt Nam), đã có gần 40.000 người đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Washington D.C. yêu cầu chính quyền và các nhà lập pháp phải có biện pháp thắt chặt hơn nữa kiểm soát súng đạn. Cũng trong ngày 11-6 đã diễn ra hàng trăm cuộc tuần hành khác trên khắp nước Mỹ phản đối bạo lực súng đạn.

Phản ứng của người dân Mỹ là hoàn toàn có thể hiểu được khi chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần đã xảy ra 5 vụ xả súng, khiến 37 người thiệt mạng. Vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas khiến người ta ghê rợn khi phần lớn nạn nhân là trẻ em, gợi nhớ thảm kịch cách đây đúng 10 năm (2012) cũng xảy ra tại một trường tiểu học ở bang Connecticut (Sandy Hook). Thế nhưng con số thống kê có lẽ còn khiến chúng ta cảm thấy kinh hoàng hơn khi chỉ riêng trong năm 2020 đã có 45.000 người chết liên quan tới súng đạn hoặc do súng đạn gây ra.

Trước thực tế leo thang bạo lực súng đạn trong thời gian vừa qua, các đảng viên đảng Dân chủ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật về mua bán súng đạn theo hướng siết chặt hơn nữa. Những đề xuất điều chỉnh mới đã được đưa ra (trong đó có việc hạn chế bán các hộp tiếp đạn số lượng lớn), nhưng với một Thượng viện chia rẽ như hiện nay, không ai dám chắc về số phận của những đề xuất mới này.

Nhóm ủng hộ súng nói gì?

Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) tại Houston từ 27 đến 29-5, các thành viên hiệp hội cho thấy họ có quan điểm rõ ràng và riêng về vấn đề sở hữu súng đạn. Theo đó, những người ủng hộ súng phản đối bất kỳ đề xuất hạn chế mới nào và nhấn mạnh rằng có nhiều cách để ngăn chặn các vụ xả súng thay vì siết chặt quy định về súng đạn. Họ đưa ra 4 giải pháp và lập luận như sau:

– Giải pháp thứ nhất: Tăng cường an ninh tại tất cả các trường học, đảm bảo cho các trường học cũng được bảo vệ như tòa thị chính, với sự hiện diện của cảnh sát, hàng rào kiểm tra an ninh và duy trì “một điểm ra vào duy nhất” đối với mỗi trường. Đây cũng là quan điểm cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Theo ông, phải tạo lập một “hàng rào bên ngoài thật mạnh”.

Những người ủng hộ sở hữu súng đạn cho rằng tăng cường an ninh như vậy sẽ ngăn chặn được những kẻ có ý định xả súng lọt vào qua cổng sau như đã từng xảy ra ở Uvalde. Thế nhưng, theo Giáo sư Adam Winkler của Đại học California, ngay cả khi tất cả các trường học được tăng cường an ninh, một kẻ có ý định xả súng vẫn có thể nhắm bắn từ xa vào rất nhiều học sinh đang chơi trong sân trường.

– Giải pháp và lập luận thứ hai của NRA là: Cách duy nhất để ngăn chặn một “kẻ xấu” có súng là “người tốt” phải có súng. Vì vậy, giáo viên, bảo vệ, và nhiều người khác nên được trang bị vũ khí.

Tổng giám đốc điều hành NRA Wayne LaPierre đã từng đưa ra quan điểm này sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook cách đây 10 năm và câu nói này liên tục được nhắc lại cho đến tận bây giờ: “Nếu súng giúp chúng ta an toàn hơn thì Mỹ sẽ là quốc gia an toàn nhất thế giới”.

Thế nhưng ông Wayne LaPierre đã không biết hay lờ đi một thực tế là tại Uvalde, đã có rất nhiều “người tốt mang súng” (có thời điểm đã có tới 19 cảnh sát tập trung ở hành lang đối đầu với hung thủ), nhưng cuối cùng thì 21 người đã vĩnh viễn ra đi và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang mở một cuộc điều tra về thái độ và cách ứng phó của những “người tốt mang súng” trong vụ việc này.

– Những người ủng hộ súng cũng cho rằng thủ phạm thực sự trong các vụ xả súng không phải là súng mà là chứng rối loạn tâm thần, và phải nỗ lực giải quyết vấn đề cốt lõi này chứ không phải là cấm súng.

Thế nhưng theo Giáo sư Mark Jones tại trường Đại học Rice (Houston), rất nhiều người ủng hộ quan điểm này, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thống đốc Texas Greg Abbott, cũng lại là những người đã phản đối việc mở rộng Medicaid, một chương trình chăm sóc sức khỏe của chính phủ cho người nghèo, vốn dành ngân sách cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở các tiểu bang.

– Cuối cùng, phe ủng hộ súng lập luận rằng những hạn chế mới sẽ không có tác dụng gì, viện dẫn tỷ lệ tội phạm cao ở các thành phố có quy định quản lý súng đạn nghiêm ngặt như Chicago. Thế nhưng họ cũng bỏ qua một thực tế là súng đạn hiện đang được tuồn qua lại giữa các tiểu bang. Theo Kris Brown, Chủ tịch tổ chức vận động ủng hộ kiểm soát súng đạn Brady, hầu hết súng đạn tìm thấy ở hiện trường các vụ án ở Chicago đều có xuất xứ từ những tiểu bang có luật kiểm soát súng lỏng lẻo.

Lép vế tước NRA?

Còn nhớ một năm sau khi xảy ra vụ xả súng tại Trường Trung học Columbine vào năm 1999, hàng trăm nghìn người đã xuống đường phản đối bạo lực súng đạn ở Washington D.C. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất tính tới điểm đó đòi hỏi các nhà lập pháp phải thắt chặt hơn nữa quy định về sử dụng súng đạn.

Thế nhưng kết quả ở Quốc hội thì vẫn là con số 0. Các nhà lập pháp chẳng đưa ra được những quy định siết chặt đáng kể nào so với quy định đã có từ năm 1994. Với nhiều người, câu chuyện hiện nay cũng vẫn sẽ thế: Nếu Quốc hội có làm một điều gì đó thì cũng là ở mức tối thiểu và các biện pháp có chút tham vọng đều chưa được bàn tới. Có rất ít triển vọng có thể nhìn thấy hiện nay đối với việc thắt chặt hơn nữa kiểm soát lý lịch người dùng súng (dù đây là điều 88% người dân Mỹ mong muốn) hay cấm bán các loại súng tấn công bắn nhanh.

Lý do cho những khó khăn này nằm ở chỗ có rất nhiều người ủng hộ kiểm soát súng đạn, nhưng lại có quá ít nhà vận động có năng lực thực hiện hiệu quả chiến dịch này. NRA thường xuyên cho ra mắt các ấn phẩm chuyên biệt và tổ chức các khóa huấn luyện mà có tới hơn 1 triệu người tham gia mỗi năm. Hiệp hội này cũng đang thực hiện chiến dịch “báo động” rằng Tu chính án số 2 của Hiến pháp nước Mỹ (cho phép người dân sở hữu và mang vũ khí) đang bị đe dọa. Trong khi đó, việc vận động kiểm soát súng đạn lại thiếu hẳn hoạt động có tính thuyết phục tương tự.

Thời gian gần đây, dưới áp lực và tác động của các nhóm hoạt động bao gồm các nạn nhân sống sót, gia đình các nạn nhân xấu số và phụ huynh học sinh là nạn nhân của các vụ xả súng, nhiều nguồn tài lực lớn đã đổ vào hoạt động vận động chống bạo lực súng đạn, trong đó có sự đóng góp của tỷ phú Michael Bloomberg. Thế nhưng nguồn vốn đó chưa là gì so với quỹ dành cho vận động hành lang súng đạn. Năm 2016, NRA và 2 tập đoàn lớn đã huy động được số tiền lớn gấp 5 lần số quỹ mà 6 tổ chức vận động kiểm soát súng đạn lớn nhất kêu gọi được. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, những người sở hữu súng có khả năng đóng góp tài chính cho các nghị sĩ họ ủng hộ cao gấp 2 lần người không sở hữu súng và có khả năng đóng góp tài chính cao gấp 5 lần cho các ứng cử viên hoặc các nhóm có chung quan điểm với họ về súng đạn.

Có thể thấy, dù hiện nay các nhà vận động kiểm soát súng đạn đang được tài trợ nhiều hơn và họ cũng đang được tổ chức tốt hơn, mục tiêu cuối cùng là đạt được những hạn chế chặt chẽ hơn trong chính sách của liên bang về súng đạn thì vẫn còn đang là một vấn đề hết sức khó khăn.

Theo Quandoinhandan

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/506278-van-dong-ngan-chan-bao-luc-sung-dan-o-my-khong-hieu-qua.html