Vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ về 'Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình hiện nay'.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, Đảng ta luôn xác định biện pháp vận động quần chúng, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là hình thức cơ bản để tập hợp, thu hút đông đảo quần chúng, phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân. Vận động, tập hợp nhân dân vừa là một mục tiêu chiến lược, vừa là một phương pháp cách mạng để tạo ra xung lực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong quá trình lãnh đạo, điều hành, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện biện pháp vận động quần chúng, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự. Qua thời gian, phong trào đã được xây dựng, duy trì, phát triển với nhiều nội dung, hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và động viên quần chúng nhân dân tham gia sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự; tạo dựng nền tảng và là chỗ dựa vững chắc để tăng cường sức mạnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều mô hình nhân dân tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, mang tính xã hội hóa được phát triển đa dạng phong phú, thiết thực và có hiệu quả, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đặt ra, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương pháp vận động quần chúng xây dựng phong trào. Thể chế hóa quy định pháp luật về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gin trật tự, an toàn xã hội. Quán triệt, cụ thể hóa những quan điểm mới của Đảng về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một nội dung quan trọng, cốt lõi của biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự và cần phải gắn với liền với các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật…".

Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Qua 48 báo cáo tham luận khoa học được Ban tổ chức lựa chọn, in tại kỷ yếu hội thảo và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thầm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động, những nguyên nhân và đề xuất giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý; các giải pháp nâng cao chất lượng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của biện pháp này trong tình hình hiện nay.

Trong các tham luận khoa học, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có bài tham luận về “Xây dựng “thế trận lòng dân” nội dung cốt lõi xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng có bài tham luận về “Phương hướng hoàn thiện, phát triển lý luận về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình hiện nay”…

Riêng tại hội thảo, có 8 ý tham luận trực tiếp; trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng tham luận về kết quả và kinh nghiệm phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo trong vận động quần chúng, tín đồ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định; Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa tham luận về việc sử dụng biện pháp vận động quần chúng trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; Thiếu tướng Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân làm rõ sự phát triển các quan điểm về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và những nội dung cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống giáo trình đào tạo nghiệp vụ vận động quần chúng trong các trường Công an nhân dân giai đoạn hiện nay…

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/van-dong-quan-chung-bao-ve-an-ninh-trat-tu-voi-nhieu-noi-dung-hinh-thuc-thiet-thuc-hieu-qua-20240821151650213.htm