Vận động thể lực đầy đủ làm giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân
Theo Thứ trưởng Y tế, hoạt động tập luyện góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng…
Bộ Y tế cho hay ít nhất 30% người trưởng thành ở nước ta thiếu vận động thể lực theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức là có hoạt động thể lực trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương.
Còn theo Quỹ dân số Liên hợp quốc, Việt Nam trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dẫn thông tin từ WHO, rằng lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch…
“Thực tế, dù điều kiện kinh tế tốt hơn nhưng người Việt đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe” – Thứ trưởng Thuấn nói tại cuộc gặp mặt báo chí phát động cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” sáng 11/8.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị đái tháo đường; gần 165.000 ca mắc ung thư mới mỗi năm… Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở nước ta.
Vận động, luyện tập không nhất thiết phải đến phòng tập chuyên nghiệp
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận thấy qua thực tế khám, tư vấn, điều trị về dinh dưỡng, lứa tuổi ít vận động nhất là lớp trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh.
Nhiều gia đình lấy lý do lịch học của trẻ kín mít, không có thời gian nên ít vận động. Thực tế, ngoài giờ học, nhiều cháu chỉ loay hoay ăn, ngủ và xem điện thoại, tivi, thời gian tĩnh tại quá nhiều không giúp trẻ tiêu hao năng lượng.
“Các cháu cũng thức khuya, ảnh hưởng rõ tới tăng trưởng chiều cao của trẻ do hormone tăng trưởng tiết nhiều từ sau 22h30 tới 2h sáng. Nếu 12h mới đi ngủ, trẻ sẽ bỏ lỡ thời gian vàng để tiết hormone tăng trưởng” – PGS Lâm nói.
Theo vị chuyên gia, việc vận động, tập luyện không cứ phải đến phòng tập mà có thể tận dụng mọi khoảng thời gian trong cuộc sống hàng ngày. Với học sinh, ngày nghỉ có thể ra ngoài vận động thay vì chỉ nghỉ ngơi xem thiết bị công nghệ, nếu nhà gần trường có thể đi bộ, đạp xe đạp đi học.
Ngoài ra, làm việc nhà, leo cầu thang bộ, đạp xe đạp đi chợ… cũng là cách vận động đơn giản nhưng giúp tiêu hao năng lương. “Mỗi ngày mỗi người nên vận động tối thiểu 30 phút, ít nhất 5 ngày/tuần, để cơ thể khỏe, đẹp hơn” – bà Lâm khuyên.
Theo GS Trần Văn Thuấn, hoạt động tập luyện góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng…
Không chỉ đối với học sinh, mỗi người dân cũng được vận động tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe và nâng cao tinh thần. “Khỏe và đẹp là một yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế” – Thứ trưởng Y tế nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh, vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng. Với trẻ em, rèn luyện thể lực là một trong những bí quyết để tăng trưởng chiều cao.
Cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” do Báo Sức khỏe & Đời sống phối hợp tổ chức, dành cho mọi đối tượng là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên với thông điệp "Mỗi người dân khỏe mạnh sẽ giúp cộng đồng khỏe mạnh".
Mỗi câu chuyện trải nghiệm của người dự thi sẽ giúp lan tỏa thông điệp thực hành dinh dưỡng lành mạnh, vận động hợp lý; từ đó hình thành thói quen, lối sống lành mạnh trong việc tự chăm sóc, rèn luyện, nâng cao sức khỏe, chủ động phòng tránh các bệnh không lây nhiễm...