Vận dụng sâu sắc tư tưởng ngoại giao 'cây tre Việt Nam'

Đó là khẳng định của đồng chí Lê Bá Vũ, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ khi được hỏi về 'kim chỉ nam' trong công tác đối ngoại của tỉnh 20 năm qua. Đồng chí Lê Bá Vũ là một trong những lãnh đạo đầu tiên 'lèo lái' con thuyền Sở Ngoại vụ gặt hái được nhiều thành công, 'đặt nền móng' cho sự phát triển ngành ngoại giao của tỉnh trong thời kỳ đổi mới.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phân giới, cắm mốc quốc gia

Cuối năm 2006, đồng chí Lê Bá Vũ là Giám đốc Sở Nội vụ, được tỉnh phân công điều động công tác tại Sở Ngoại vụ giữ chức vụ giám đốc, đồng thời là Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc (PGCM) tỉnh. Từ lĩnh vực nội vụ chuyển sang ngoại vụ là một công tác hoàn toàn mới, liên quan đến nhiều văn bản, văn kiện, tài liệu về đối ngoại cùng với việc thường xuyên phải đi thực địa. Đồng chí Lê Bá Vũ chia sẻ: Thời điểm đó, công tác đối ngoại của tỉnh tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành PGCM trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đây là nhiệm vụ chính trị mang tính lịch sử trọng đại của đất nước và của tỉnh. Với tâm thế cầu thị, tôi chủ động nghiên cứu các văn bản, tài liệu, từng bước xây dựng đội ngũ giúp việc thật sự tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, năng lực và bản lĩnh cao, cùng nhau đoàn kết để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Cao Bằng có tuyến biên giới dài 333,4 km tiếp giáp với Trung Quốc; có 634 mốc giới cần phải cắm cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc, trong đó, 469 mốc chính, 165 mốc phụ. Khi được phân công về Sở Ngoại vụ, công tác PGCM đã thực hiện được hơn một nửa nhưng cơ bản là chỗ nào dễ làm trước, chỗ nào khó làm sau. “Phía Cao Bằng trực tiếp cắm 303 mốc, trong khi đó, tuyến biên giới của tỉnh có 74/164 khu vực C (khu vực hai bên nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, đây là những khu vực phức tạp, nhạy cảm, thường xuyên xảy ra tranh chấp). Điển hình như khu vực thác Bản Giốc (Trùng Khánh) mất rất nhiều thời gian để bàn bạc, thống nhất với nước bạn. Đòi hỏi cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh phải vận dụng sâu sắc tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” - gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; chủ động, sáng tạo, linh hoạt, bàn bạc thống nhất trên tinh thần biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”; kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” - đồng chí Lê Bá Vũ cho biết thêm.

Đồng chí Lê Bá Vũ, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ chia sẻ những kỷ niệm về công tác phân giới cắm mốc.

Đồng chí Lê Bá Vũ, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ chia sẻ những kỷ niệm về công tác phân giới cắm mốc.

Ấn tượng sâu sắc nhất với đồng chí Lê Bá Vũ là sự khó khăn, vất vả và tinh thần đoàn kết vượt qua của cán bộ và nhân dân khi thực hiện PGCM. Trong khi các tỉnh biên giới khác huy động 2 nhóm để thực hiện nhiệm vụ thì Cao Bằng phải tổ chức 3 nhóm trực tiếp tham gia, gồm lực lượng cán bộ từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng làm nhiệm vụ hậu cần. Thời kỳ khó khăn nhất, tiến độ PGCM của tỉnh triển khai rất chậm, tưởng chừng như không thực hiện được, đồng chí Lê Bá Vũ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PGCM. Sau khi chỉ thị ban hành đã làm thay đổi đáng kể về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền và người dân khu vực biên giới. Sau đó, đồng chí tham mưu UBND tỉnh ra mệnh lệnh mở chiến dịch 15 ngày dồn sức, tổng lực hoàn thành công tác cắm mốc ngoài thực địa. Ngày 31/12/2008, Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc tuyên bố hoàn thành công tác PGCM. Tiến hành ký kết các văn kiện pháp lý và thỏa thuận có liên quan về quản lý biên giới trên đất liền phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, xây dựng cơ chế song phương phối hợp quản lý biên giới.

Nhiều thành tựu trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

Cùng với thực hiện nhiệm vụ PGCM, Sở Ngoại vụ tích cực tham mưu UBND tỉnh tăng cường quan hệ hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), giữa tỉnh với 2 thành phố lớn của Quảng Tây là Bách Sắc, Sùng Tả; bàn bạc, trao đổi tạo ra môi trường đoàn kết hữu nghị để cùng hợp tác làm ăn, giao lưu nhân dân. Thống nhất với nước bạn đề nghị nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang thành cửa khẩu quốc tế; bàn bạc mở tuyến vận tải quốc tế từ phía Tây Nam của Trung Quốc, là tiền đề quan trọng hình thành đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); bàn hợp tác khai thác Khu du lịch thác Bản Giốc..., tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh người đi lại và xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Chủ động mở rộng, tăng cường quan hệ với các địa phương, đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư, vận động viện trợ và tìm kiếm các nguồn ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức nhiều cuộc họp xúc tiến, vận động viện trợ nước ngoài trong và ngoài tỉnh, đón tiếp đại sứ quán của nhiều nước, các tổ chức phi chính phủ đến dự. Kết hợp với hoạt động tổ chức cho các đoàn cán bộ của tỉnh đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại các nước như: Mỹ, Pháp, Úc, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản… giúp hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của việc UNESCO chính thức công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.

Nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng, tập thể Sở Ngoại vụ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác ngoại vụ địa phương và những phần thưởng cao quý khác.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Sở Ngoại vụ từng bước trưởng thành và hoàn thiện hơn. Cùng với đất nước, ngành ngoại giao tỉnh đang bước vào giai đoạn chiến lược mới. Tuy mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mỗi thời điểm khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất: xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, trong đó, đối tượng chính là nước bạn Trung Quốc. Tin tưởng rằng, tập thể cán bộ, công chức Sở Ngoại vụ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đối ngoại của địa phương; xứng đáng là một mặt công tác có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, đưa quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/van-dung-sau-sac-tu-tuong-ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-3171341.html