'Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận…'

Những năm qua, sự nghiệp văn hóa và thể thao Quảng Bình đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2024), phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT).

- P.V: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, những năm qua, ngành Văn hóa đã góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh nhà như thế nào, thưaThực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", những năm qua, ngành Văn hóa đã góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh nhà như thế nào, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: 79 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ ngành Văn hóa Quảng Bình đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực góp sức cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh dựng xây quê hương ngày càng phát triển, hội nhập. Toàn ngành đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình và thể thao; đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát biểu chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Cùng với đó, sở đã tích cực, chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, ngành cũng đã chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình được dàn dựng công phu, hoành tráng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình được dàn dựng công phu, hoành tráng.

Trên lĩnh vực hoạt động chuyên ngành, Sở VH-TT đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn tỉnh. Các sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật lớn, như lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024), 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024) được tổ chức thành công, đã góp phần tuyên truyền, quảng bá hiệu quả về các giá trị văn hóa, hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Bình tới nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế; phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân và du khách.

Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh 2 di sản là ca trù và nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đến nay Quảng Bình có 10 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, 56 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 88 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

- P.V: Được biết, Sở VH-TT đã và đang hướng các hoạt động văn hóa nghệ thuật về cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nhằm “bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, bà có thể đánh giá đôi nét về hiệu quả của hoạt động này trong xu thế hội nhập?

- Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Văn hóa các DTTS là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, là một trong những nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Sở đã và đang nỗ lực đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật về cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS.

Đặc biệt, thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, sở đã triển khai xây dựng các câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại các thôn, bản vùng ĐBDTTS và miền núi các huyện: Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ĐBDTTS tỉnh Quảng Bình.

Đồng thời, tập trung thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống của ĐBDTTS để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tổ chức các hội thảo khoa học; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng ĐBDTTS và miền núi…

Qua đó đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng đáp ứng xu thế hội nhập.

- P.V: Những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động như thế nào trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân; đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng con người văn hóa; góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đến nay, số gia đình đạt danh hiệu văn hóa khoảng gần 90%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chiếm hơn 82%. Toàn tỉnh có 1.123 hương ước và quy ước, trong đó có 968 hương ước và quy ước đã được điều chỉnh và bổ sung. Việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện nghiêm túc, giúp gìn giữ, bảo tồn, phát huy nhiều phong tục, tập quán cổ truyền tốt đẹp.

Hệ thống thiết chế VH-TT từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc tổ chức các hoạt động và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Các đội văn nghệ quần chúng, các CLB văn hóa, nghệ thuật cơ sở được duy trì và phát huy hiệu quả; nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước. Nhiều địa phương cũng đã tổ chức chuỗi hoạt động VH-TT đặc sắc, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Sở VH-TT tập trung thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS.

Sở VH-TT tập trung thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS.

- P.V: Tự hào truyền thống, hướng tới tương lai, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa Quảng Bình sẽ tiếp tục làm gì để xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, đưa sự nghiệp VH-TT ngày càng phát triển lên tầm cao mới, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Thủy: Thời gian tới, để tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh ở thời kỳ mới, ngành VH-TT Quảng Bình tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả các mặt công tác, trong đó chú trọng triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, gia đình và thể thao.

Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

Toàn ngành quyết liệt hành động với phương châm “tăng tốc, sáng tạo, về đích” nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Trong đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chủ động tham mưu UBND tỉnh kịp thời thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Bình. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản văn hóa và trong xây dựng thư viện điện tử; các hoạt động văn hóa tập trung hướng về cơ sở, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tranh thủ mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

Có thể khẳng định, văn hóa Quảng Bình đang ngày càng phát triển, hòa chung vào dòng chảy của văn hóa dân tộc và nhân loại; khẳng định vị trí, vai trò “sức mạnh mềm” của văn hóa, phục vụ hiệu quả cho phát triển KT-XH tỉnh nhà. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, song tập thể ngành VH-TT Quảng Bình tiếp tục đồng sức, đồng lòng phát huy truyền thống, hướng tới tương lai, góp phần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

- P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi ý nghĩa này!

Nội Hà (thực hiện)

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202408/ky-niem-79-nam-ngay-truyen-thong-nganh-van-hoa-2881945-2882024-van-hoa-nghe-thuat-cung-la-mot-mat-tran-2220574/