Văn học - nghệ thuật Nam Định đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, Nam Định đã sản sinh ra nhiều danh nhân tiêu biểu có đóng góp quan trọng đối với nền văn học - nghệ thuật (VHNT) nước nhà. Trong thời kỳ mới, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định tiếp tục nắm bắt thời cơ, vận hội để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực sáng tạo VHNT nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa của công chúng, đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” do tập thể nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh biểu diễn.

Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” do tập thể nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh biểu diễn.

Xác định VHNT có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa, con người, thể hiện khát vọng hướng tới các giá trị “chân - thiện - mỹ”, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, VHNT Nam Định đã thực hiện tốt “sứ mệnh” đồng hành cùng quê hương, đất nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Vai trò, vị trí và tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Nền VHNT tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực: Các hoạt động sáng tác, giao lưu VHNT ngày càng được đẩy mạnh; nội dung, phương thức biểu diễn có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại, phù hợp thị hiếu công chúng. Hội VHNT tỉnh là “ngôi nhà chung” của 265 văn nghệ sĩ thuộc 7 bộ môn chuyên ngành: Văn xuôi, thơ, nghiên cứu - phê bình, âm nhạc - múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu. Thông qua các tác phẩm, công trình sáng tác, nghiên cứu VHNT đã góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; lan tỏa cái hay, cái đẹp, dẹp cái xấu, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, mặt trái trong đời sống xã hội. Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm, đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định đã tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp đối với nhiều chủ trương, chính sách, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, VHNT hiện nay.

Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và nhân văn, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của quê hương văn hiến Nam Định”, công tác giáo dục tư tưởng chính trị được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), Hội VHNT tỉnh đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Sở VH, TT và DL, Hội VHNT tỉnh đã định hướng tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực VHNT cho các văn nghệ sĩ, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Tạp chí Văn Nhân là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT tỉnh đã tạo “sân chơi” để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT và dịch thuật của các văn nghệ sĩ trong tỉnh; đồng thời là kênh thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Song hành cùng sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước, VHNT Nam Định luôn bám sát thực tiễn, phát hiện và phản ánh đa dạng gương người tốt, việc tốt, đơn vị điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm VHNT không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đổi mới về nội dung, hình thức, giàu giá trị tư tưởng nghệ thuật, tính nhân văn. Nhiều tác phẩm VHNT ở các loại hình: thơ, văn xuôi, sân khấu (chèo, cải lương, kịch nói), điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa... được thể hiện đa dạng với các đề tài xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, biểu đạt chân thực, rõ nét về sự phát triển của quê hương đất nước trong thời bình, thời chiến như các đề tài, chủ đề: lịch sử phong kiến, chiến tranh cách mạng, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, bạn bè, nghĩa tình đồng chí, đồng đội, cuộc sống lao động, sản xuất của người dân từ thành thị đến nông thôn, những vấn đề thời sự xã hội, công cuộc đổi mới và hội nhập thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước… Các sáng tác VHNT mang đậm giá trị tư tưởng phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT của tỉnh có bước đổi mới, góp phần lý giải khoa học hơn mối quan hệ giữa VHNT với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Những năm gần đây, Bộ môn Nghiên cứu, lý luận, phê bình (Hội VHNT tỉnh) đảm nhiệm 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu gồm: “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX” (Hoàng Dương Chương); “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” (Nguyễn Thị Cảnh); “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” (Bùi Văn Tam). 2 chuyên đề: “Nghề và làng nghề Nam Định”, “Văn hóa dân gian trên đất Trực Ninh - Nam Trực” được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam in thành sách.

Nhiều hội viên bộ môn tích cực tham gia các cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế trên nhiều lĩnh vực về: địa chí, danh nhân văn hóa, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Hội VHNT tỉnh đã làm tốt chức năng tập hợp, hướng dẫn hội viên sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình VHNT có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bám sát và phản ánh sinh động, đa dạng các lĩnh vực của đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội tỉnh, tích cực đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, VHNT đã tạo nên những dấu ấn nhất định trong sự phát triển VHNT, góp phần làm cho văn hóa Nam Định ngày càng phong phú và tiến bộ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các trại sáng tác tập trung, đi thực tế, giao lưu, học tập kinh nghiệm, các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên ngành được tổ chức thường niên đã tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp, đề tài, nâng cao chất lượng các tác phẩm VHNT.

10 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định đã có 47 tập văn xuôi (15 tiểu thuyết, 24 truyện ngắn, 8 tập ký); 63 tập thơ; 21 công trình nghiên cứu - phê bình; 500 tác phẩm âm nhạc; 900 tác phẩm mỹ thuật; 800 tác phẩm nhiếp ảnh; 5 vở diễn; 12 tập kịch sân khấu; 10 tuyển tập: văn, thơ, nghiên cứu - phê bình, âm nhạc - múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu; gần 30 nghìn số Tạp chí Văn Nhân và 289 đầu sách được xuất bản. Nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, giải thưởng của các bộ, ban, ngành Trung ương, các hội chuyên ngành, Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh, giải thưởng báo chí Trung ương, địa phương trong và ngoài tỉnh... Những năm gần đây, Hội VHNT tỉnh đã phối hợp với các hội chuyên ngành của Trung ương tổ chức thành công các cuộc trưng bày, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh quy mô cấp tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng tại Nam Định; tổ chức Ngày Thơ Việt Nam (dịp Tết Nguyên tiêu), Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9). Các đơn vị nghệ thuật thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đầu tư kịch bản, dàn dựng các trích đoạn, vở diễn để công diễn đến công chúng, lựa chọn tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu (chèo, cải lương, kịch nói) toàn quốc và đạt nhiều giải thưởng cao.

Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi biểu diễn nghệ thuật mỗi năm phục vụ bà con nhân dân khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và biểu diễn nhân dịp lễ, tết, phục vụ các sự kiện chính trị, đối ngoại của tỉnh, các dịp lễ hội ở nhiều địa phương... Các buổi biểu diễn đã lồng ghép phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, quảng bá những thành tựu phát triển về kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến của vùng đất và con người quê hương Nam Định. Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, các loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong tỉnh được gìn giữ, kế thừa, phát huy mạnh mẽ như: ca trù, hát văn, hát chầu văn, nhạc cụ dân tộc, trống hội. Thông qua tổ chức các chương trình ca - múa - nhạc, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng đã động viên phong trào văn nghệ ở cơ sở; từ đó hình thành một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc công, ca sĩ, diễn viên không chuyên hoạt động sôi nổi, phục vụ có hiệu quả nhu cầu đời sống văn hóa, nghệ thuật cộng đồng.

Xây dựng và phát triển VHNT Nam Định toàn diện, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, mang đậm nét văn hóa đặc trưng, bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh thực tiễn sinh động của quê hương, đất nước trong thời kỳ mới là điều hết sức cần thiết, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với lĩnh vực văn hóa, VHNT; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ văn nghệ sĩ; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; quan tâm, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ phát huy sức sáng tạo, mang nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ để sáng tác những tác phẩm VHNT hay, có giá trị, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Nam Định, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/van-hoc-nghe-thuat-nam-dinh-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-que-huong-dat-nuoc-aab1ba8/