VĂN NGHỆ TÔN VINH LỊCH SỬ DÂN TỘC

Sáng tác về đề tài lịch sử thực sự đã lên ngôi, trở thành khuynh hướng chủ đạo trong đời sống văn học, nghệ thuật.

Đây là điều đáng mừng vì bên cạnh quan tâm đến các đề tài thời sự, nhu cầu tìm về quá khứ, đúc rút bài học lịch sử có ý nghĩa lớn. Đặt trong bối cảnh nhịp sống ngày càng hối hả, bao điều mới mẻ ùa đến, các tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử đã và đang đóng góp quan trọng, góp phần lưu giữ ký ức lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Văn nghệ sĩ, với sự nhạy cảm, tinh tế, trách nhiệm công dân nhận thức được rằng: Nếu không sáng tác về đề tài lịch sử mà chỉ dựa vào những giờ học lịch sử, liệu chăng thế hệ mai sau có hiểu, có yêu lịch sử nước nhà sâu sắc? Có tạo ra được động lực tinh thần thôi thúc thế hệ trẻ cống hiến như cha ông từng làm vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường? Với một tâm thế sáng tạo đúng đắn, nhân văn lý giải cho sự lên ngôi của khuynh hướng sáng tạo về đề tài lịch sử; đồng thời, chứng minh đại đa số văn nghệ sĩ nước nhà vẫn luôn đau đáu với lịch sử dân tộc, mong muốn đem tài năng sáng tạo nên những tác phẩm giá trị.

Vở diễn "Làm vua" do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng. Ảnh: Hà Vương.

Vở diễn "Làm vua" do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng. Ảnh: Hà Vương.

Câu chuyện sáng tác về đề tài lịch sử ngày hôm nay không chỉ có “màu hồng”. Không ít văn nghệ sĩ có nhận thức lệch lạc, bị một số phần tử cơ hội chính trị, phản động lôi kéo, kích động đã sáng tác những tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử một cách phiến diện, cố tình bôi đen ý nghĩa sự kiện, công lao của các anh hùng, lật ngược các vấn đề lịch sử, gây hoài nghi trong công chúng... Từ động cơ của họ có thể bóc tách thành hai nhóm. Nhóm thiểu số văn nghệ sĩ lợi dụng tự do sáng tạo, mượn chuyện xưa nói chuyện nay, cố tình công kích, đả phá chế độ ta, phủ nhận thành tựu cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một nhóm văn nghệ sĩ khác có tư tưởng lệch lạc, cố tình viết ngược, viết sai lịch sử, “thêm mắm thêm muối” vào các câu chuyện lịch sử. Mục đích của họ đơn giản chỉ là để tác phẩm của mình được chú ý, được nhắc đến! Đáng lo âu là hiện nay, nhận thức chính trị của một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ chưa cao, trải nghiệm chưa nhiều dễ bị “lây nhiễm” ý thức lệch lạc.

Để ngăn ngừa sự tiêm nhiễm của những tư tưởng xấu độc trong tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử, phương châm phòng hơn chống cần được đề cao. Một mặt, chúng ta không thỏa hiệp, kiên quyết đấu tranh, phản bác những tác phẩm cố tình đi ngược, bóp méo lịch sử vì mục đích chính trị; đồng thời, kiên trì vận động, trao đổi với các văn nghệ sĩ, nhất là các văn nghệ sĩ trẻ xây dựng mục đích sáng tạo đúng đắn. Bởi thực chất, một tác phẩm nghệ thuật giá trị cần cao cường về kỹ thuật, thăng hoa cảm xúc, nội dung đậm tính nhân văn, chứ không phải chăm chăm với những câu chuyện “giật gân”, bóp méo lịch sử. Tìm cách “lật sử”, tác phẩm có thể được chú ý trong chốc lát, còn lưu lại đến mai sau thì chắc chắn là không.

Vai trò của các cơ quan quản lý, các hội văn học nghệ thuật, nhà xuất bản, đơn vị biểu diễn cần phải nâng cao hơn nữa trong thẩm định tác phẩm về đề tài lịch sử. Thực tế là không ít nơi có tình trạng lơ là nhiệm vụ chính trị, suy nghĩ giản đơn, chạy theo lợi nhuận, vô tình cho ra đời hoặc tôn vinh những tác phẩm lệch lạc về lịch sử. Cùng với việc siết chặt quản lý, các cơ quan chức năng cần tập trung nguồn lực đầu tư cho văn nghệ sĩ chân chính sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài lịch sử.

Những tác phẩm có giá trị về nội dung và hình thức, kết tinh tài năng sáng tạo, tôn vinh lịch sử dân tộc sẽ tỏa sáng một cách tự nhiên, ghi sâu vào tâm trí của công chúng. Những tác phẩm lệch lạc, xấu độc vì thế sẽ không còn đất sống!

MỘC LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/van-nghe-ton-vinh-lich-su-dan-toc-658452