Vạn Phúc ngàn năm sóng lụa

Về với thủ đô Hà Nội, ngày đầu tháng bẩy, chúng tôi được thăm và tìm hiểu nhiều địa danh, di tích lịch sử cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc được lưu giữ qua nghìn năm văn hiến. Trong đó, Vạn Phúc là làng nghề nổi tiếng nhất bậc nhất Việt Nam về nghề làm lụa, được coi là biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của vùng đất quê lụa Hà Đông.

Làng nghề ngàn năm tuổi

Câu ca dao: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn" ca ngợi những làng nghề dệt may truyền thống của Hà Nội đưa chúng tôi tìm về với Vạn Phúc, làng nghề làm lụa nổi tiếng xưa nay.

Nằm ở trung tâm quận Hà Đông, thế nhưng khi bước chân qua cổng làng Vạn Phúc, khung cảnh của một “làng quê” Bắc Bộ hiện lên thật bình dị với cây đa, giếng nước, tiếng máy dệt rộn ràng khắp nơi.

Làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội

Làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội

Cởi mở và đôn hậu, tiếp đón những nhà báo ở "miền ngược" về với làng nghề, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, đã chia sẻ về những thăng trầm lịch sử của làng nghề: Trong suốt quá trình phát triển, nghề dệt lụa đã từng đứng trước nhiều nguy cơ bị thất truyền, nhất là vào những năm bị thực dân Pháp chiếm đóng. Do sự ác liệt của chiến tranh, nhiều gia đình trong làng phải tản cư khắp nơi, cuộc sống khó khăn thiếu thốn, tuy nhiên các cụ vẫn mang theo khung cửi để duy trì nghề dệt, các sản phẩm lụa sau khi dệt xong lại gửi về Hà Nội để bán. Chính sự tâm huyết và gắn bó máu thịt với nghề của những thế hệ người dân Vạn Phúc đã giúp làng lụa còn tồn tại đến ngày hôm nay và ngày càng phát triển vươn xa.

Sự ra đời của nghề dệt lụa trên đất Vạn Phúc gắn liền với vị tổ nghề là bà Ả Lã Đê Nương, cháu hậu duệ của vua Hùng thứ 16. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1.200 năm trước, bà du ngoạn qua đây, thấy cư dân cần cù chịu khó, phong cảnh hiền hòa, bà lập ấp dạy nghề trồng dây nuôi tằm, ươm tơ dệt vải. Sau khi bà mất, người dân Vạn Phúc tôn bà làm tổ nghề, lập đền thờ cúng và lấy ngày 25 tháng Chạp âm lịch làm ngày giỗ hàng năm.

Lụa Vạn Phúc có nhiều loại như: Gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi... Dù ở loại nào cũng đạt tới mức hoàn mỹ, sợi vải mịn óng, mềm mại với màu sắc óng ánh, đường nét tinh tế khi nổi khi chìm, có loại trang nhã, có loại rực rỡ. Khoác lên người thấy mềm mại, nhẹ nhàng và sang trọng, chính vì vậy, xưa kia, lụa Vạn Phúc thường được sử dụng để may quần áo, trang phục cho các bậc vua chúa, quan lại. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Từ năm 1958 cho đến nay, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, tạo nên tiếng tăm về một làng nghề truyền thống của Việt nam.

Các sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Các sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Tinh hoa nghề lụa

Trải qua 1.200 năm hình thành và phát triển, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc đã có nhiều đổi thay. Những chiếc khung cửi truyền thống ngày nào giờ đã được thay thế bằng máy dệt hiện đại. Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc có hơn 130 máy dệt với 400 hộ tham gia sản xuất lụa, ngoài ra có 244 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau.

Nghệ nhân làng Vạn Phúc dệt lụa.

Nghệ nhân làng Vạn Phúc dệt lụa.

Thăm cơ sở sản xuất lụa của Công ty cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc do nghệ nhân Lê Thị Kim Thư sáng lập. Trong xưởng, tiếng máy dệt rộn rã, những người thợ là các bà, các cô đã qua tuổi ngũ tuần, thoăn thoắt đôi tay kéo kén, guồng tơ, mắc cửi. Dù phải xử lý cả mớ sợi tơ cùng lúc, thế nhưng những người thợ đã có hơn nửa đời người gắn bó với nghề lụa vẫn nhận biết được sợi nào đang bị rối, sợi nào bị đứt để đem nối lại. Khi chúng tôi tò mò hỏi thăm việc sử dụng máy móc có làm giảm chất lượng của lụa so với dệt tay thủ công hay không? Thì những nghệ nhân của làng Vạn Phúc khẳng định, việc làm máy chỉ giảm sức người, nâng cao hiệu suất lao động và nhất là tạo ra được khổ vải lớn, ngoài ra, khung dệt máy vẫn sử dụng con thoi chứ không dùng kim nên chất lượng lụa vẫn luôn đảm bảo.

Các công đoạn dệt lụa được thực hiện cầu kỳ, tỉ mỉ.

Các công đoạn dệt lụa được thực hiện cầu kỳ, tỉ mỉ.

Là một nghệ nhân có tiếng trong làng, bà Trần Thị Ngọc Lan vốn chỉ là dâu con đất Vạn Phúc, ngoài 20 tuổi theo chồng về đây rồi yêu nghề dệt lụa, bà gắn bó với những sợi tơ đến nay đã ngót nghét 20 năm. Tình yêu dành cho lụa không chỉ thể hiện bằng sự tâm huyết với nghề, mà còn được bà chứng minh bằng sự sáng tạo với các sản phẩm lụa bắt nhịp với xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ tinh hoa truyền thống.

Các sản phẩm lụa Vạn Phúc được nhiều người ưa chuộng

Các sản phẩm lụa Vạn Phúc được nhiều người ưa chuộng

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ: Nắm bắt thị hiếu của các đối tượng khách hàng, tôi đã nghiên cứu, sáng tạo nên những dòng sản phẩm lụa Vạn Phúc mang xu hướng, phong cách trẻ trung, được phối màu bắt mắt hơn, các mẫu họa tiết hoa văn cũng được thể hiện mới lạ với những biểu tượng đặc trưng của Việt Nam như trống đồng, văn miếu…được khách quốc tế rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đa dạng các sản phẩm để khách hàng có thể lựa chọn làm quà tặng như khăn, áo dài, cà vạt, túi xách, quần áo các loại…

Nhiều sản phẩm lụa với họa tiết và phong cách mới.

Nhiều sản phẩm lụa với họa tiết và phong cách mới.

Lụa Vạn Phúc có nhiều loại, nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới lụa vân. Một dòng sản phẩm cao cấp với hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt, không nơi nào có được. Lụa vân được làm hoàn toàn từ tơ tằm tự nhiên, không quá bóng bẩy mà hài hòa, trang nhã; ánh lụa tự nhiên vô cùng bắt mắt khi ra nắng, khi mặc ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Để dệt được loại lụa này, người thợ phải dệt với hai loại vo dây và vo võng rất khó. Người dệt lụa vân phải đạt đến trình độ tinh xảo, vì thế nên ở trong làng không phải nhà nào cũng có thể dệt được lụa vân cổ.

Lụa vân - loại lụa cao cấp của làng nghề Vạn Phúc.

Lụa vân - loại lụa cao cấp của làng nghề Vạn Phúc.

Cầm trên tay chiêm ngưỡng dải lụa vân óng ả, mềm mượt, một người sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc như tôi cảm nhận được nhiều điều thật khác biệt so với những tấm vải thổ cẩm dân tộc vùng cao. Chẳng có những họa tiết rực rỡ sắc màu nhưng hoa văn trên lụa vân chìm nổi, lúc thanh lúc đậm, toát lên vẻ sang trọng, tinh tế, nhìn vào ngỡ như áng mây trắng mượt mà cuồn cuộn vờn bay.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, bằng tình yêu nghề, các thế hệ nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc vẫn nỗ lực cần mẫn, sáng tạo để có nhiều mẫu lụa mới, phù hợp nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm, làng lụa Vạn Phúc sản xuất khoảng 2,5-3 triệu mét lụa các loại, doanh thu ước đạt 115 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Cùng với việc lưu giữ và phát triển nghề dệt lụa truyền thống, những năm gần đây làng lụa Vạn Phúc dần đổi mới, trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Những ngày cuối tuần, nơi đây đón nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Điều ấn tượng nhất khi du khách đến khám phá làng lụa là “con đường ô” rực rỡ sắc màu trải dọc trên con phố dài hơn 100m. Vào buổi tối, khung cảnh càng trở nên lung linh, huyền ảo với dàn đèn lồng và đèn led rực sáng, được trang trí bắt mắt.

Nhiều điểm check in đẹp tại làng Vạn Phúc.

Nhiều điểm check in đẹp tại làng Vạn Phúc.

Dắt tay cô con gái theo con đường ô, chị Trần Thị Thanh Minh đến từ Nam Định, chia sẻ: Thời còn đi học, chúng tôi nhớ câu ca dao: Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông. Mỗi khi có dịp về công tác tại Thủ đô, tôi thường ghé thăm làng lụa Vạn Phúc và mua nhiều sản phẩm cho gia đình. Diện mạo làng nghề hôm nay đã thay đổi rất nhiều, có nhiều địa điểm check in, chụp ảnh đẹp, các sản phẩm lụa đa dạng hơn về mẫu mã, chất lượng.

Duy trì sản xuất các sản phẩm lụa truyền thống kết hợp hiện đại, gắn với phát triển loại hình du lịch văn hóa đang là hướng đi chủ đạo của làng lụa Vạn Phúc. Phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Cùng với việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường, các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.

Đa dạng các sản phẩm từ lụa Vạn Phúc.

Đa dạng các sản phẩm từ lụa Vạn Phúc.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội, cho biết: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với quận Hà Đông tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề, tiêu biểu như: Tuần lễ Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc mang chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập” diễn ra vào tháng 11/2023, đã thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Sở Du lịch và địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, duy trì ổn định hoạt động kinh doanh tại khu vực phố Lụa, đồng thời liên kết với các công ty lữ hành tạo sự liên kết tuyến du lịch. Tăng cường các hoạt động trao đổi xúc tiến thương mại, tổ chức Tuần văn hóa du lịch làng nghề hàng năm; tiếp tục nghiên cứu, khôi phục các sản phẩm truyền thống, tạo các điểm tham quan tin cậy cho khách hàng. Đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số, đưa thương hiệu lụa Vạn Phúc vươn xa trên thị trường quốc tế.

Nhộn nhịp chợ lụa Vạn Phúc.

Nhộn nhịp chợ lụa Vạn Phúc.

Rời làng nghề Vạn Phúc khi ánh điện trên con phố Lụa đã bật sáng lung linh, chúng tôi dường như vẫn thấy bâng khuâng, lưu luyến tiếng thoi đưa, những xốn xang khi chạm tay vào từng vuông lụa. Hơn hết là sự yêu nghề, tâm huyết của mỗi người con dân làng lụa với quyết tâm đưa nghề dệt lụa Vạn Phúc mãi vươn xa.

Hoàng Giang - Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/van-phuc-ngan-nam-song-lua-LHdJa6lSg.html