Vạn sự khởi đầu nan

Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer đã trải qua 100 ngày đầu tiên với một chương trình nghị sự nhiều tham vọng cả về đối nội và đối ngoại. Đến nay, về cơ bản, ông Starmer đã công bố và thi hành các ưu tiên chính sách của mình như cam kết trong quá trình tranh cử và đạt được những kết quả nhất định, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại Liverpool, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại Liverpool, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông Starmer đã vạch ra một lộ trình vững chắc với việc phá vỡ nền tảng đoàn kết truyền thống của Công đảng, đồng thời tập trung vào việc xây dựng các chính sách kinh tế, tạo dựng danh tiếng và uy tín cho Công đảng. Khi trở thành thủ tướng, ông đã cam kết sẽ lật sang trang mới sau nhiều năm nước Anh hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ và "khôi phục sự tôn trọng đối với nền chính trị".

Chương trình nghị sự của chính phủ mới có nhiều kế hoạch hứa hẹn nhằm trả lại quyền sở hữu đường sắt cho công chúng, củng cố quyền của người lao động và thành lập một công ty đầu tư năng lượng do nhà nước sở hữu, thúc đẩy nền kinh tế, xây dựng nhà ở và tăng quyền của người thuê nhà. Tiếp theo là các vấn đề liên quan tới thỏa thuận trả lương cao hơn mức lạm phát cho những viên chức đang đình công trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông, qua đó ngăn chặn nguy cơ tái diễn sau những tranh chấp kéo dài mà đảng Bảo thủ không giải quyết được. Đây được đánh giá là những điểm cộng của Thủ tướng Starmer.

Bên cạnh đó, phản ứng cứng rắn và kịp thời của Thủ tướng Starmer nhằm dập tắt các cuộc biểu tình, bạo loạn đường phố bùng phát cuối tháng 7 do những kẻ côn đồ cực hữu kích động liên quan thông tin sai lệch về vụ đâm dao ở Southport đã tạo được tiếng vang cho chính phủ mới. Ông đã tận dụng kinh nghiệm trong vai trò Trưởng Cơ quan Công tố Hoàng gia trước đây để đối phó với tình trạng hỗn loạn và kiên quyết truy tố những kẻ kích động thù hận và bạo lực chủng tộc, cả trực tuyến và trên đường phố.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu cầm quyền, Thủ tướng Starmer và Công đảng đã đối mặt với nhiều lựa chọn chính sách khó khăn về đối nội, kinh tế. Một loại quyết định, như cắt giảm phúc lợi cho người già, thả sớm hàng nghìn tù nhân khỏi các nhà tù quá tải của Anh... hầu như không được công chúng ủng hộ.

Cuộc khủng hoảng nhập cư tiếp tục diễn biến tồi tệ bất chấp những nỗ lực của chính phủ Công đảng. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Starmer đã hủy bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm Rishi Sunak đưa người xin tị nạn đến Rwanda và cam kết “đập tan các băng nhóm buôn người”, nhưng đã không thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Trên 12.000 người nhập cảnh vào Anh bất hợp pháp kể từ cuộc bầu cử khiến cho số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh hiện cao nhất châu Âu, vượt qua Pháp và Đức. Chính phủ cũng phải đối mặt với bất ổn sau những bê bối khác về quà tặng xa xỉ hay vấn đề nhân sự cấp cao, quyên góp cá nhân... Bên cạnh đó, Thủ tướng Starmer phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ trong chính phủ.

Tất cả những điều này, cùng với quyết định của chính phủ giảm trợ cấp xã hội cho một số đối tượng yếu thế và nguy cơ tăng thuế trong gói ngân sách mùa thu dự kiến công bố cuối tháng 10, đã góp phần tạo nên bầu không khí bất mãn trên khắp đất nước.

Về đối ngoại, trong cương lĩnh tranh cử của Công đảng, việc tăng cường, cải thiện quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã được xác định là trọng tâm chính sách hàng đầu nhằm “kết nối lại” nước Anh với thế giới. Do đó, ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7, chính phủ Công đảng đã có những động thái, chính sách, bước đi mạnh mẽ nhằm thắt chặt quan hệ với các đối tác này, nổi bật là các chuyến công du của Thủ tướng Starmer tới Mỹ và châu Âu.

Đối với EU, chính phủ của Thủ tướng Starmer đã hành động rất quyết liệt để thiết lập lại mối quan hệ với các cường quốc chủ chốt và thể chế châu Âu, một phần để chứng minh rằng Anh đã "trở lại vũ đài thế giới" sau thời gian căng thẳng giữa các đồng minh, đồng thời tìm kiếm một "sự tái lập" quý giá với EU để nới lỏng các rào cản thương mại và hạn chế do Brexit tạo ra. Ông Starmer đã có nhiều cơ hội trao đổi với lãnh đạo châu Âu, trong đó đáng chú ý có 5 lần gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và 4 lần gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Anh với hai đồng minh chủ chốt thuộc EU trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, quốc phòng đến khoa học công nghệ, năng lượng, di cư, đối phó làn sóng tư tưởng cực hữu, cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột Trung Đông… đã làm nồng ấm lại mối quan hệ của Anh với Pháp, Đức nói riêng và với EU nói chung. Ngoài ra, chuyến thăm trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels đầu tháng 10 của Thủ tướng Starmer, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Anh từ năm 2019, cũng là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hàn gắn quan hệ giữa hai bên. Báo chí Anh và châu Âu nhận định sự kiện đã tạo ra sự khác biệt so với thái độ đối đầu của các cựu thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ, đồng thời củng cố quan hệ với các đối tác quan trọng trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng bất ổn, khi xung đột tại Trung Đông đang có nguy cơ lan rộng.

Với Mỹ, kể từ khi đắc cử, Thủ tướng Starmer đã thực hiện 2 chuyến đi tới Washington, trao đổi với Tổng thống Joe Biden về nhiều vấn đề, chính sách lớn như mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ, tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine, nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza và đảm bảo một khu vực châu Á - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.

Với cuộc xung đột tại Trung Đông, chính phủ của Thủ tướng Starmer đã chật vật “đi trên dây” giữa việc ủng hộ đồng minh Israel trong khi vẫn tìm cách hạn chế tổn thất về người tại Dải Gaza. Chính phủ Anh tiếp tục duy trì sự ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đi đầu trong các nỗ lực vận động sự ủng hộ Ukraine trong các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, nhóm G7 và các đồng minh, đối tác của Anh.

Tuy nhiên, việc chính phủ của Thủ tướng Starmer quyết định trao quần đảo trả quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương cho Mauritius, nhưng vẫn giữ lại quyền kiểm soát đối với đảo Diego Garcia, nơi có căn cứ quân sự chung Mỹ - Anh, đã gây nhiều tranh cãi trong nước.

Nhìn chung, sau giai đoạn khởi đầu tương đối thuận lợi, chính phủ của Thủ tướng Starmer đang đối mặt với nhiều khó khăn, sức ép và nhiều bê bối, có nguy cơ cản trở việc triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại trong chương trình nghị sự của mình, nhất là vấn đề nhập cư, tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng dịch vụ công.

Phong Hà (Phóng viên TTXVN tại Anh )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/van-su-khoi-dau-nan-20241014143430218.htm