Vận tải biển đối mặt 50 tỉ đô la chi phí chuyển sang nhiên liệu sạch

Bắt đầu từ năm sau, các tàu vận tải biển cỡ lớn sẽ bị bắt buộc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch với hàm lượng lưu huỳnh thấp và có giá cao hơn, đánh dấu một bước thay đổi lớn kể từ khi ngành vận tải biển chuyển từ sử dụng than sang dầu nặng vào đầu thế kỷ 20.

 Bắt đầu từ năm 2020, ít nhất 60.000 tàu vận tải biển cỡ lớn trên toàn cầu phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,5% trở xuống. Ảnh: lowsulphco.com

Bắt đầu từ năm 2020, ít nhất 60.000 tàu vận tải biển cỡ lớn trên toàn cầu phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,5% trở xuống. Ảnh: lowsulphco.com

Tờ Wall Street Journal hôm 4-4 cho biết theo quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), bắt đầu từ từ ngày 1-1-2020, các tàu vận tải biển cỡ lớn (loại tàu sử dụng để vận chuyển hàng hóa qua các đại dương) phải sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, chỉ ở mức 0,5% chẳng hạn như dầu MGO (marine gasoil) hay dầu ULSFO (ultra-low-sulfur fuel oil) để thay thế cho loại dầu nặng có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% (hay còn lại là dầu bunker) đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Sự chuyển đổi này nhằm cắt giảm lượng khí thải sulfur-dioxide (SO2) trong hoạt động vận tải tàu biển. Hiện nay, ngành vận tải biển toàn cầu đang chiếm 13% tổng lượng phát thải SO2 trên toàn cầu mỗi năm.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan cảnh báo nếu không chuyển đổi sang nhiên liệu sạch với hàm lượng lưu huỳnh thấp, ô nhiễm không khí do khí độc SO2 từ các tàu vận tải biển sẽ làm tăng thêm 570.000 trường hợp tử vong sớm trên toàn cầu trong giai đoạn 2020-2025.

Tuy nhiên, IMO cho phép các chủ tàu được phép tiếp tục sử dụng dầu bunker nếu như họ lắp đặt hệ thống lọc khí xả (EGCS) để gạn lọc và giữ lưu huỳnh lại trên tàu.

Quy định mới của IMO sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 60.000 tàu vận tải biển và khiến ngành vận tải biển toàn tốn kém thêm 50 tỉ đô la mỗi năm. Gánh nặng chi phí này dẫn đến những cảnh báo và tranh cãi ồn ào về chất lượng và nguồn cung có sẵn của nhiên liệu mới cũng như các lời kêu gọi trì hoãn thực hiện quy định mới của IMO.

Với thời gian áp dụng quy định mới chỉ còn tám tháng, các hoạt động chuẩn bị đang diễn ra ráo riết. Các nhà cung cấp nhiên liệu đang thiết lập các kho và điểm phân phối nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Có một sự nhất trí chung trong ngành vận tải biển là khách hàng sẽ gánh chịu phần chi phí nhiên liệu tăng thêm miễn là các công ty vận tải biển phải rõ ràng và minh bạch về số chi phí mà họ phải trả thêm để vận hành tàu.

Các chủ hàng dự kiến giá cước vận tải biển sẽ tăng lên đáng kể vào đầu năm tới. Trong năm năm qua, giá cước vận tải biển đang điểm hòa vốn của các hãng tàu do công suất vận tải biển dư thừa, buộc các các hãng tàu lao vào cuộc chiến giảm giá cước để giành thị phần.

Nhiều công ty vận tải biển trên thế giới hoạt động không có lãi trong suốt thấp kỷ qua và triển vọng kinh doanh của ngành vận tải biển được dự báo vẫn ảm đạm cho đến năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và các căng thẳng thương mại Mỹ với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ còn dai dẳng.

Soren Skou, Giám đốc điều hành hãnh vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk, nói: “Nếu các công ty vận tải biển phải gánh chi phí tăng thêm liên quan đến nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh thấp thì điều này sẽ dẫn đến nhiều vụ phá sản”.

Giá loại dầu bunker phổ biến nhất hiện nay vào khoảng 440 đô la/ tấn. Lãnh đạo các công ty vận tải biến ước tính họ phải trả thêm 25-40% để mua nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh vì chi phí sản xuất nhiên liệu này cao hơn cũng như các chi phí xây dựng các điểm phân phối mới.

Nhiều chủ hàng cho biết họ sẽ chấp nhận trả phần lớn chi phí tăng thêm này dưới dạng phụ phí nhiên liệu.
Jon Gold, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) nói: “Đến thời điểm này, vẫn chưa rõ tác động của chi phí nhiên liệu sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng ở mức nào”.

Phần lớn cuộc tranh luận hiện nay tập trung vào hệ thống EGCS để xử lý khí xả của tàu trước khi thoát ra ngoài khí quyển. Chí phí để lắp đặt hệ thống này khoảng 3-10 triệu đô la mỗi tàu. Các hãng tàu biển đang lắp đặt hệ thống EGCS cho rằng hệ thống này giúp tiết kiệm chi phí hơn so với việc sử dụng các loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp 0,5% và sẽ giúp thu hồi chi phí đầu tư trong vòng hai năm.

Tuy nhiên, đa phần các hãng tàu lựa chọn chuyển sang nhiên liệu mới, thay vì lắp đặt hệ thống này. Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành hãng tàu vận chuyển container Hapag-Lloyd (Đức), cho biết hãng chỉ có kế hoạch lắp đặt EGCS cho 10 trong số đội tàu 227 chiếc của hãng này.

Ông nói: “Có rất nhiều thảo luận về EGCS nhưng cuối cùng sẽ có tới 90% đội tàu biển toàn cầu sẽ sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp”.

Các ngại về nguy cơ thiếu nguồn cung nhiên liệu mới cũng đã lắng dịu sau khi các tập đoàn dầu khí như BP, Shell và ExxonMobil cam kết họ sẽ đáp ứng nguồn cung dồi dào ở các cảng lớn.

Kế hoạch giảm khí thải SO2 là một phần trong nỗ lực đưa ngành vận tải biển trở nên thân thiện hơn với môi trường. Ngành vận tải biển mà đại diện là IMO đã đồng ý cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 và các bước đi tốn kém tiếp theo để đạt mục tiêu này là thiết kế các thân tàu mới và lắp đặt hệ thống động cơ đẩy lai (kết hợp động cơ diesel và động cơ điện).

Theo Wall Street Journal

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287129/van-tai-bien-doi-mat-50-ti-do-la-chi-phi-chuyen-sang-nhien-lieu-sach.html