Vận tải hành khách đường bộ: Vẫn ngóng chờ các địa phương
Dù đã có bản hướng dẫn tổ chức vận tải đường bộ sau nới lỏng giãn cách xã hội nhưng việc nối lại hoạt động chở khách bằng xe ô tô vẫn chưa thể khôi phục do nhiều vướng mắc. Các doanh nghiệp vận tải vì thế vẫn chỉ biết tiếp tục bật 'trạng thái chờ'.
Mỏi mòn chờ ngày xe được chạy lại
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của công ty nhiều lần gián đoạn. Anh Nguyễn Thanh Toàn (trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) như có thêm nhiều thời gian để thường xuyên mang xe ra... "làm đẹp". Anh Toàn giải thích: “Xe vẫn sạch lắm nhưng cứ mang ra lau chùi cho có việc mà làm chứ. Với lại cho có cảm giác mình vẫn đang... làm nghề. Đỡ nhớ và cũng đỡ hụt hẫng”. Cũng có lẽ vì thế mà dàn xe 16 chỗ của anh Toàn dù chỉ có vài chiếc nhưng luôn được khách hàng cộng điểm sạch sẽ trong thời gian dịch chưa bùng phát.
Cũng như hầu hết chủ DN vận tải hành khách bằng ô tô khác, anh Toàn rất mừng khi vừa qua có thông tin Bộ GTVT đồng ý phương án nối lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ sau giãn cách. “Dừng hoạt động khiến DN chúng tôi thiệt hại đủ đường. Ngoài doanh thu còn mất cả các mối khách “ruột”. Rồi anh em lái xe, phụ xe nghỉ việc, xin chuyển công tác vì họ không thể “ngồi chơi xơi nước” suốt mấy tháng liền được. Giờ được chạy lại sẽ phải chuẩn bị đủ thứ nhưng vẫn còn hơn ngồi chơi tiếp” – anh Toàn nói.
Cũng ở tình trạng tương tự, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh Nguyễn Duy Ninh thậm chí còn sốt ruột chờ ngày xe được chạy lại hơn anh Toàn bởi công ty của ông Ninh hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ tuyến cố định.
Với đội xe hùng hậu, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, nhà xe Ninh Quỳnh là một trong những thương hiệu có tiếng ở miền Bắc. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, DN này đã rơi vào tình trạng khó khăn cùng cực. “Khó thì là khó chung của tất DN vận tải hành khách chứ chẳng riêng gì chúng tôi. Không nói chắc mọi người cũng thừa hiểu, DN vận tải hành khách đường bộ trong thời buổi dịch bệnh hoành hành khổ cực như thế nào. Giờ mong muốn duy nhất của chúng tôi là sớm được chạy lại xe. Có chạy lại mới mong có cơ hội sống sót” – ông Nguyễn Duy Ninh cho biết.
Những DN như của ông Ninh, anh Toàn đang sốt ruột chờ đợi ngày được chạy xe lại thì đến thời điểm hiện tại, họ vẫn đang rất mơ hồ chưa biết đó là lúc nào. Khi được hỏi, đại diện rất nhiều DN vận tải cho rằng, việc Bộ GTVT ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, trong đó có vận tải hành khách đường bộ khiến họ rất vui mừng. Tuy nhiên có được chạy xe lại hay không lại phải đợi tiếp ý kiến của các địa phương. Mà khi nào các địa phương có ý kiến thì chưa rõ thời điểm...
Cần một cơ quan, đơn vị làm đầu mối
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, từ ngày 1/10, trong vận tải hành khách đường bộ, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương, Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện tần suất khai thác đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và cấp độ dịch.
Ngoài ra, tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, lái xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao: lái xe/ nhân viên phục vụ trên xe phải xét nghiệm Covid-19 hàng tuần (7 ngày/lần) theo phương pháp test nhanh hoặc PCR; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định.
Điều này đồng nghĩa với việc các DN vận tải hành khách đường bộ sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi được biết chính xác sẽ được chạy lại hay không; và nếu chạy lại thì phải tuân thủ theo những quy định gì. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề đáng lo ngại nhất.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, những quy định về đảm bảo yêu cầu phòng dịch tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao như phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 hay có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ có thể là những rào cản gây khó cho DN vận tải hành khách đường bộ. “Chưa biết việc cho phép hoạt động vận tải hành khách đường bộ tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao sẽ được các địa phương thực hiện như thế nào, nhưng chỉ cần yêu cầu về tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 mà Bộ GTVT đưa ra cũng rất khó để các DN có thể đáp ứng” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Cũng theo chuyên gia giao thông này, để nối lại hoạt động vận tải khách đường bộ cần có một kế hoạch thống nhất, thực hiện cho tất cả tỉnh, TP trên cả nước. Muốn làm được điều này, Bộ GTVT nên bàn bạc với từng địa phương để đưa ra phương án thống nhất chứ không nên để cho họ tự thống nhất với nhau. Bản thân các địa phương cũng đều muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh sản xuất sớm nhất có thể, trong đó có hoạt động vận tải hành khách đường bộ. Chỉ có điều, do dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều nơi, nên nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn, lo ngại về việc dịch bệnh sẽ xâm nhập vào địa bàn nếu nối lại các hoạt động vận tải khách.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cũng như DN vận tải đều rất cần một đơn vị đứng ra, với vai trò làm đầu mối để cùng bàn bạc, đưa ra kế hoạch nối lại vận tải khách đường bộ một cách phù hợp nhất. Và đây là lúc Bộ GTVT cần thể hiện được vai trò với tư cách là cơ quan quản lý đầu ngành trong lĩnh vực GTVT.