Vận tải khách liên tỉnh: Xe xuất bến, lăn bánh càng nhiều... càng lỗ
Với quy định mỗi xe chỉ được phép chở 50% số khách cũng như lượng khách giảm mạnh nên các doanh nghiệp vận tải khách đang phải vừa chạy vừa... chịu lỗ.
Sau 1 tháng phải tạm dừng hoạt động để phòng chống lây lan dịch Covid-19, vận tải hành khách liên tỉnh đã được phép trở lại hoạt động. Tuy nhiên, với quy định cũng như lượng hành khách giảm mạnh nên các doanh nghiệp vận tải hành khách đang phải vừa chạy vừa chịu lỗ.
Vào chiều tối ngày 6/5, Bộ GTVT đã quyết định từ 0 giờ hôm nay (7/5) sẽ dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách gồm: máy bay, tảu hỏa, xe khách... Điều này sẽ tạo điều kiện cho vận tải nói chung giảm bớt được khó khăn đôi chút.
Vì so với trước đây, lượng khách và doanh số của các nhà xe sụt giảm khoảng 80%. Chi phí bến bãi, nhiên liệu, khấu hao… đang khiến cho các doanh nghiệp vận tải đối mặt nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp vận tải rất cần các giải pháp để hỗ trợ nhằm không gây gián đoạn việc phục vụ đi lại của người dân.
Cứ xe xuất bến là phải bù lỗ
Bến xe Giáp Bát - một trong những bến xe khách lớn nhất Hà Nội và khu vực phía Bắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà lượng khách giảm đột ngột làm cho các doanh nghiệp vận tải điêu đứng, liên tục phải bù lỗ.
Trước đó, mỗi ngày bến xe này tiếp nhận hàng chục nghìn lượt khách đi lại, vào những ngày nghỉ cuối tuần con số này cao hơn gấp nhiều lần. Sau đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hiện nay các nhà xe đã chạy khoảng 70-80% công suất, nhưng do vắng khách nên bãi đỗ đón khách im ắng lạ kỳ, mỗi xe xuất bến lác đác có vài ba khách trên xe.
Là một trong nhiều nhà xe có hơn 20 năm hoạt động chuyên chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, nhà xe Thành Thân mỗi ngày có 8 xe hoạt động, nhưng những ngày gần đây mỗi ngày có 6 xe hoạt động và luôn trong tình trạng vắng khách.
“Trước khi chưa phải dừng để giãn cách xã hội khách đã vắng, nhà xe luôn phải bù lỗ cho mỗi đầu xe hoạt động. Quá nhiều chi phí như tiền nhiên liệu, cầu đường, bến bãi. Hành khách ở Nam Định, Hà Nam nơi xe chúng tôi khai thác vận chuyển không đi lại nhiều như trước nữa, xe chạy càng nhiều càng lỗ...”, nhân viên điều hành nhà xe Thành Thân cho biết.
Được biết, tuyến Nam Định - Hà Nội có hơn 100 xe đăng ký hoạt động tại bến xe Giáp Bát, đa số nhà xe cho biết đang chạy để giữ tuyến và uy tín hoạt động lâu năm của mình đã chịu lỗ để phục vụ người dân đi lại.
Tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), nếu như bình thường mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt xe khách liên tỉnh ra vào bến để đón trả khách, thì nay chỉ đạt khoảng 700 xe. Xe khách liên tỉnh ở đây cũng giống như tình trạng chung ở Giáp Bát là rất vắng khách.
Bình thường xe khách 24 chỗ chạy tuyến Hà Nội – Bắc Giang của Công ty cổ phần xe khách Bắc Giang xuất bến Mỹ Đình lúc 10h30 lúc nào khách cũng ngồi gần kín hết chỗ. Nhưng mấy hôm nay khi xuất bến, trên xe chỉ có vài ba khách. Theo lái xe, chuyến nhiều nhất xuất bến được 6 khách. Với lượng khách như thế này thì họ phải chịu lỗ gần 1 triệu đồng mỗi chuyến.
“Xe mới trở lại hoạt động khoảng chục ngày và giờ đang chịu bù lỗ rất cao. Khách khứa mỗi lần chỉ khoảng nhiều thì 10 người không thì 3, 4 người thôi. Xe xuất bến phải có giờ, mình cũng không thể “nằm” trong bến để đợi thêm khách mới chạy được”, anh Đồng Thành Duy, lái xe Công ty Cổ phần xe khách Bắc Giang cho biết.
Một thực tế sau khi thực hiện giãn cách xã hội là xe càng chạy nhiều càng lỗ, chạy tuyến ngắn thì lỗ ít, tuyến hành trình dài thì lỗ nhiều hơn.
Theo ông Phạm Anh Hùng, đại diện Công ty vận tải Minh Thành Phát – Sao Việt, nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Sa Pa – Lào Cai cho biết, trước đây, dù là xe giường nằm và xe ghế ngồi, bình thường luôn luôn đủ khách khi rời bến, thế nhưng những ngày này xe xuất bến cũng chỉ có 7 người trong tổng số 46 giường. Nhà xe này đang phải chịu lỗ lớn bởi cự ly xa và chi phí cho hoạt động rất cao.
“Phải bù lỗ nhiều, có chuyến vài người cũng phải đi, 2,3 khách cũng phải chạy tận Lào Cai, cầu đường thì vẫn như mọi khi có thay đổi đâu, xăng dầu giảm chút xíu, còn vẫn bù lỗ là nhiều. Doanh nghiệp vận tải mong nhận được chia sẻ khó khăn và giúp đỡ từ Chính phủ”, ông Hùng nói.
Đang xem xét hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), bắt đầu từ ngày 30/4 vừa qua đã cho phép hoạt động trở lại 100% vận tải hành khách liên tỉnh dù vẫn giữ quy định mỗi xe không được chở quá 50% số ghế để phòng tránh dịch lây lan.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ vận tải – Tổng Cục đường bộ Việt Nam thừa nhận, đánh giá chung lượng khách đi lại rất ít, nhiều tuyến chỉ đạt 10% so với ngày thường. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đều lỗ nặng. Phía Tổng cục đường bộ Việt Nam đang cố gắng tìm các giải pháp để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Ông Bình cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan tài chính địa phương theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe chủ động nghiên cứu, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ trong bến xe từ nay cho đến hết năm 2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Đã có một số lần đề xuất và nay đang hoàn thiện và trình chính phủ xem xét để hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải, cực kỳ khó khăn và nhiều doanh nghiệp đến bước sập tiệm rồi. Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Sở GTVT các địa phương chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan thuế, tài chính địa phương và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe để đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét đưa ra các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực vận tải đường bộ”, ông Bình cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh cũng cho rằng, nếu theo quy định chỉ được chở 50% số khách trên mỗi xe để phòng chống dịch Covid-19 thì họ đã lỗ nặng chứ chưa nói đến lượng khách giảm mạnh trong giai đoạn này. Họ cho rằng, với việc lỗ như vậy thì doanh nghiệp chỉ có thể chịu đựng được trong khoảng thời gian 2 tháng là quá giỏi bởi sẽ không còn tiền để đổ xăng dầu chứ chưa nói đến việc trả lương cho lái xe và nhân viên./.